![]() |
Giới chức Trung Quốc yêu cầu tỷ phú sáng lập Evergrande tự dùng tiền riêng để giải quyết khủng hoảng. Ảnh: AFP |
Bắc Kinh từng đưa ra yêu cầu trên sau khi Evergrande lần đầu thất bại trong việc thanh toán lãi trái phiếu bằng đồng USD hôm 23/9 và quan điểm này đang tiếp tục được nhắc lại. Đây là động thái cho thấy sự ngần ngại của Trung Quốc trong việc tiến hành các biện pháp giải cứu Evergrande, ngay cả khi làn sóng khủng hoảng có dấu hiệu lan rộng và nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản cả nước.
Bom nợ tiếp tục đến kỳ hạn thanh khoản
Trong khi đó, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ các tài khoản ngân hàng của Evergrande. Mục đích là đảm bảo rằng lượng tiền mặt còn lại của công ty sẽ được sử dụng để hoàn thành các dự án bất động sản còn dang dở, chứ không phải để trả cho các chủ nợ.
![]() |
Tập đoàn Evergrande đang phải gánh khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Ảnh: The Straits Times |
Tài sản của Hứa Gia Ấn còn bao nhiêu và có đủ khả năng thanh khoản cho phần nợ của Evergrande hay không đang là câu hỏi được đặt ra. Theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản ròng của tỷ phú Hứa đã giảm từ mức đỉnh 42 tỷ USD hồi năm 2017, xuống còn khoảng 7,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, con số này không thấm vào đâu so với núi nợ 300 tỷ USD của Evergrande tính đến thời điểm tháng 6. Bên cạnh đó, cũng không thể chắc chắn khối tài sản của ông Hứa có tính thanh khoản cao để có thể dùng để trả nợ hay không.
Ông Hứa là người nắm giữ hơn 70% cổ phần tại tập đoàn Evergrande và toàn quyền chỉ huy mọi hoạt động. Phần lớn tài sản của ông Hứa đến từ cổ phần tại Evergrande và cổ tức tiền mặt mà ông nhận được từ tập đoàn này kể từ khi niêm yết năm 2009 tại Hong Kong.
Nhà sáng lập Evergrande đã bỏ túi khoảng 8 tỷ USD trong thập kỷ qua nhờ các khoản thanh toán hậu hĩnh từ tập đoàn này, nhưng không biết ông đã tái đầu tư những khoản cổ tức đó như thế nào. Bên cạnh đó, ông cũng nổi tiếng là người sở hữu nhiều tài sản xa xỉ, từ căn biệt thự trị giá 100 triệu USD tại Hong Kong cho đến siêu du thuyền dài 60 m có tên Event.
Hiện tại, tập đoàn Evergrande của Trung Quốc đã thoát khỏi kịch bản vỡ nợ bằng việc trả lãi vào phút chót với một đợt trái phiếu khoảng 83,5 triệu USD. Thời gian qua, thị trường thế giới đã nhiều lần rơi vào cảnh hoang mang trước nguy cơ vỡ nợ của Evergrande.
Trước mắt, tập đoàn này phải tiếp tục thanh toán khoản lãi 45 triệu USD trước khi hết thời gian ân hạn vào ngày 29/10. Năm 2022, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đối mặt với khoản đáo hạn khổng lồ khoảng 7,4 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước.
Thị trường bất động sản rung chuyển
Ngoài bom nợ Evergrande, thị trường bất động sản Trung Quốc vừa tiếp tục chứng kiến sự lao dốc của tập đoàn bất động sản Modern Land khi doanh nghiệp này không thể thanh toán nợ trái phiếu USD đúng hạn.
Modern Land có trụ sở ở Bắc Kinh, tự nhận là "công ty đi đầu trong mảng xây dựng nhà ở công nghiệp sử dụng các công nghệ xanh", đã hoàn thành gần 200 dự án tại hơn 50 thành phố ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, công ty này đã không thể thanh toán khoản nợ gốc và lãi cho số trái phiếu trị giá 250 triệu USD đã đáo hạn vào ngày 25/10.
![]() |
Thị trường bất động sản chao đảo khi chứng kiến thêm nhiều công ty không có khả năng trả nợ. Ảnh: Reuters |
Modern Land cho biết muốn kéo dài thời hạn trả nợ đến cuối tháng 1/2022. Trong thời gian đó, công ty này sẽ tìm cách cải thiện "thanh khoản và dòng tiền". Hai nhà lãnh đạo của công ty là Zhang Lei và Zhang Peng có dự định sẽ cung cấp khoản vay khoảng 800 triệu nhân dân tệ (tương đương 124 triệu USD) để hỗ trợ công ty. Kể từ đầu năm đến nay cổ phiếu của Modern Land đã giảm giá 45%.
Theo thống kê của Bloomberg, số vụ vỡ nợ trái phiếu USD của các doanh nghiệp Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay đã lập kỷ lục mới, với tổng trị giá ít nhất 8,7 tỷ USD. Điều này diễn ra trong bối cảnh các nhà quản lý đang ráo riết thực hiện chiến dịch giảm tỷ lệ đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản.
Đặc biệt, kể từ đầu tháng đến nay đã có rất nhiều công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ, và số công ty bị hạ mức xếp hạng tín dụng cũng tăng rất nhanhBĐS. Tính đến ngày 21/10, Moody’s Investors Service, S&P Global Ratings và Fitch Ratings đã 44 lần hạ bậc xếp hạng các công ty bất động sản Trung Quốc. Con số của tháng 9 là 34 lần.
Theo Ma Dong, chuyên gia của BG Capital Management, khủng hoảng Evergrande đã thổi bùng lên những lo ngại không chỉ về sức khỏe của ngành bất động sản mà còn là toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Việc bị hạ bậc xếp hạng tín dụng sẽ càng khiến các công ty khó trở mình hơn khi họ phải đối mặt với sức ép vốn cực lớn.