Hiện trường sự cố đứt cầu phao Ninh Cường. Nguồn: CAND. |
Cầu phao Ninh Cường có chiều dài 297m, chiều ngang toàn phao 8,4m và lòng dầm 3,5m. Các phương tiện lưu thông qua cầu phao chỉ được phép có trọng tải tối đa 10 tấn, chiều cao dưới 3,5m. Mỗi ngày có khoảng 9.000 phương tiện qua lại cầu.
Theo thông tin từ Báo Nam Định, tối ngày 11/9, do mực nước sông Ninh Cơ dâng cao ở mức báo động 3, nước chảy xiết, kéo theo lượng rác, bèo khiến một bên dây cáp phía thượng lưu của cầu phao Ninh Cường bị đứt; hệ thống liên kết giữa các phao, dầm của cầu bị tách rời, hư hỏng, toàn bộ hệ thống neo cầu phao bị xê dịch về phía hạ lưu. Sự cố không gây thiệt hại về người.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đã động viên cán bộ, nhân viên trực tiếp vận hành cầu phao khắc phục khó khăn, nỗ lực đảm bảo an toàn vận hành cầu phao. Đồng thời, yêu cầu Sở Giao thông vận tải Nam Định tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, nhất là cảnh báo lũ trên sông Ninh Cơ; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về công tác phòng, chống lũ, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; tuyệt đối đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên vận hành cầu phao và người dân; chỉ được thực hiện lắp đặt lại cầu phao khi đã đảm bảo các điều kiện an toàn…
Hiện Ban quản lý bến cầu phao Ninh Cường đã xử lý sự cố, chằng néo cầu chắc chắn hơn để cầu không bị trôi. Tuy nhiên phải chờ dòng chảy sông Ninh Cơ êm thuận, sau đó mới nối cầu trở lại để đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến.
Trước đó, do tình hình thời tiết mưa, lũ, cầu phao Ninh Cường đã dừng hoạt động từ 14h ngày 10/9 đến khi đủ điều kiện an toàn mới hoạt động trở lại.
Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ, Nam Định trên quốc lộ 37B.
Dự án có mục tiêu kết nối tuyến Quốc lộ 37B giữa huyện Nghĩa Hưng và huyện Trực Ninh (Nam Định), khắc phục tình trạng gián đoạn giao thông thủy trên sông Ninh Cơ, qua đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực tỉnh Nam Định nói riêng và khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung.
Vị trí xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ, tỉnh Nam Định. Nguồn: VGP. |
Cây cầu mới sẽ thay thế cho cầu phao Ninh Cường nhằm giải tỏa xung đột giao thông giữa vận tải đường bộ và đường thủy, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại khu vực huyện Nghĩa Hưng và huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Theo phương án được duyệt, cầu Ninh Cường có tổng chiều dài tuyến khoảng 1,65km. Điểm đầu tại Km 0+00 (khoảng Km 73+200 theo lý trình quốc lộ 37B), thuộc địa phận thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Điểm cuối tại Km 1+650 (khoảng Km 74+500 theo lý trình quốc lộ 37B), thuộc địa phận thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Công trình cầu chính có quy mô 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, đường dẫn hai đầu cầu có quy mô đường cấp III đồng bằng, quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Dự án do CTCP tư vấn thiết kế đường bộ (HECO) tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và tổng mức đầu tư 581,189 tỷ đồng.
Sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng ở hạ nguồn, chảy qua địa bàn các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu của tỉnh Nam Định, đổ ra biển ở cửa Lạch Giang (cửa Ninh Cơ).
Cầu Ninh Cường là cây cầu thứ 3 được xây dựng trên sông Ninh Cơ. Hai cây cầu đã được xây dựng là cầu Lạc Quần (nối huyện Trực Ninh và huyện Xuân Trường), cầu Thịnh Long (nối huyện Nghĩa Hưng và huyện Hải Hậu). Trước khi cầu Ninh Cường được quyết định đầu tư xây dựng, cầu phao Ninh Cường làm nhiệm vụ vận chuyển người, phương tiện qua lại giữa huyện Nghĩa Hưng và huyện Trực Ninh trên sông Ninh Cơ.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Nam Định, tính đến 14h30 ngày 11/9, sông Ninh Cơ tại trạm Trực Phương là 3,7m (trên mức báo động 3 là 1,1m), mực nước tại trạm Trực Phương đã đạt đỉnh vào lúc 13h30 ngày 11/9 là 3,71m (trên mức báo động 3 là 1,11m). |