SMC là một trong các doanh nghiệp báo lỗ trong quý 2/2024. Ảnh: SMC |
Trong ngành thép, có hai doanh nghiệp báo lỗ lớn là CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) và CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC).
Thép Tiến Lên ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.634 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn tăng mạnh hơn khiến công ty lỗ gộp hơn 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 38 tỷ đồng.
Trừ các khoản chi phí, Thép Tiến Lên lỗ sau thuế hơn 153 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước lãi hơn 5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, dù doanh thu thuần tăng nhẹ 9% lên 2.895 tỷ đồng, TLH vẫn lỗ sau thuế hơn 152 tỷ đồng.
SMC cũng kinh doanh dưới giá vốn khi doanh thu thuần đạt 2.240 tỷ đồng, trong khi giá vốn bán hàng lên tới 2.307 tỷ đồng.
Mặc dù có thêm hơn 170 tỷ đồng từ việc bán trụ sở tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM) và không còn trích lập dự phòng nợ xấu nhiều như trước (thể hiện qua chi phí quản lý giảm) nhưng trừ đi chi phí, SMC vẫn lỗ sau thuế 114 tỷ đồng, so với cũng kỳ lãi 21 tỷ đồng.
Nhờ kết quả khả quan của quý 1 nên luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, SMC lãi sau thuế tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 408 tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả khả quan này chủ yếu là nhờ khoản thu thanh lý tài sản trong quý 2 và bán khoản đầu tư tài chính trong quý 1, chứ không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Tại nhóm bất động sản, một số doanh nghiệp báo lỗ như CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã QCG), CTCP Đầu tư LDG (mã LDG), CTCP DRH Holdings (mã DRH), CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House, mã TDH)...
Trong đó, LDG (mã LDG) lỗ nặng nhất với mức lợi nhuận sau thuế âm 171 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 74 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu âm khi hàng bán bị trả lại lớn (doanh thu bán hàng đạt hơn 156 tỷ đồng, trong khi hàng bán bị trả lại gần 176 tỷ đồng). Cũng do hàng bán bị trả lại nên luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty lỗ sau thuế 296 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 144 tỷ đồng.
Với 7 quý thua lỗ liên tiếp (từ quý 4/2022 đến quý 2/2024), LDG đã xoá bỏ toàn bộ lãi luỹ kế tích luỹ nhiều năm, ghi nhận lỗ luỹ kế 175 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2024.
Quốc Cường Gia Lai lỗ sau thuế gần 17 đồng trong quý 2/2024, mức lỗ nặng nhất kể từ năm 2012. Nguyên nhân là do doanh thu chỉ đạt hơn 25 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá vốn lên tới hơn 32 tỷ đồng.
Theo giải trình của QCG, doanh thu giảm do thị trường bất động sản nói chung còn nhiều khó khăn. Mặt khác, thời điểm quý 2 hàng năm vẫn chưa bước vào mùa mưa nên sản lượng điện khai thác còn thấp. Cao su chỉ được đưa vào khai thác từ cuối tháng 5 dẫn đến doanh thu giảm so với cùng kỳ. Khó khăn còn do chi phí khấu hao và lãi vay hàng tháng không phụ thuộc vào sản lượng khai thác, dẫn đến giá vốn cao hơn doanh thu.
Doanh nghiệp báo lỗ lớn nhất trong quý 2/2024 gọi tên Masan Hightech Materials (mã MSR). Trong quý vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu 3.652 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự tăng trưởng về doanh thu không bù đắp được chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính ở mức cao (683 tỷ đồng), khiến công ty lỗ sau thuế 344 tỷ đồng - so với cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 500 tỷ đồng. Đây là quý thứ năm liên tiếp, MSR báo lỗ sau thuế.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Masan Hightech Materials mang về 6.741 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Do chi phí tài chính lớn (1.203 tỷ đồng) nên doanh nghiệp lỗ sau thuế 1.046 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 487 tỷ đồng.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG) cũng ghi nhận lỗ sau thuế lớn với 323 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái lỗ 135 tỷ đồng. Đây là quý thứ 13 liên tiếp công ty này báo lỗ.
Nguyên nhân là do trong kỳ, doanh thu của công ty chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 48% so với quý 2/2023. Trong khi đó, giá vốn bán hàng tăng 127% lên 350 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp âm 271 tỷ đồng.
Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân doanh thu giảm là do công ty chỉ tập trung chăm sóc và khai thác trên 833 ha diện tích vườn chuối có hiệu quả, so với cùng kỳ là 1.891 ha. Phần diện tích còn lại đã dừng chăm sóc để tập trung nguồn lực tiến hành đầu tư mới đổi với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, HNG đạt doanh thu 147 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế âm 370 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 247 tỷ đồng. Kết quả này nâng lỗ lũy kế của công ty lên 8.472 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng ghi nhận thua lỗ trong quý 2/2024: CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã DHB) lỗ trước thuế 137 tỷ đồng; CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, mã PSH) lỗ trước thuế 344 tỷ đồng; Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3, mã PGV) lỗ trước thuế 290 tỷ đồng; Công ty Tài chính Cổ phần Việt Tín (mã TIN) lỗ trước thuế 194 tỷ đồng; CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (Nosco, mã NOS) lỗ trước thuế 154 tỷ đồng; CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM) lỗ trước thuế 85 tỷ đồng...
HAGL lãi gấp 3 lần cùng kỳ, lỗ luỹ kế còn hơn 900 tỷ đồng |
HAGL Agrico báo lỗ quý thứ 13 liên tiếp |
'Câu lạc bộ các ngân hàng vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng' đang làm ăn ra sao? |