Ngành thép phục hồi trong năm 2024. Ảnh minh họa |
CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS, sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 593 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 1,8% của quý 3/2023 lên 3,3%.
Các chi phí đều tăng nhưng công ty thép vẫn có lãi sau thuế gần 11 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình của doanh nghiệp, thị trường thép cán nguội năm 2024 vẫn còn tồn tại nhiều diễn biến khó lường từ môi trường cạnh tranh, khả năng phục hồi chậm. Công ty đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng cũng như nguồn hàng có giá cả hợp lý. Nhờ đó, sản lượng sản xuất tăng 54% và tiêu thụ tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng là yếu tố chính giúp lợi nhuận của công ty tăng.
Mặc dù tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhưng so với quý 2 liền trước, doanh thu và lợi nhuận của TNS đều sụt giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Thép tấm lá Thống Nhất mang về tổng doanh thu 2.318 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế gần 26 tỷ đồng, so với quý 3/2023 chỉ đạt hơn 120 triệu đồng.
Kết quả kinh doanh của Thép tấm lá Thống Nhất tiếp tục củng cố thêm niềm tin về sự phục hồi của ngành thép sau giai đoạn khó khăn. Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) cũng mới công bố sơ bộ các chỉ số tài chính với những con số khả quan.
Cụ thể, doanh nghiệp đạt hơn 34.000 tỷ đồng doanh thu trong quý 3/2024, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận hơn 105.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và hoàn thành 92% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong báo cáo phát hành cuối tháng 9 vừa qua, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong quý 3/2024, các doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi trong bối cảnh áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc tăng mạnh do nhu cầu yếu tại nước này và các thị trường xuất chính như EU, Mỹ có động thái điều tra chống bán phá giá. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa trở thành điểm sáng khi tiêu thụ nội địa tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, nhờ đóng góp của thép xây dựng với mức tăng 25%.
Công ty chứng khoán dự báo biên lợi nhuận gộp toàn ngành cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu như than, quặng giảm lần lượt 17% và 12%, trong khi giá thép xây dựng giảm 9%.
Sắp tới, MBS nhận định giá thép trong nước có nhiều triển vọng phục hồi nhờ áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi Trung Quốc đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực lại thị trường bất động sản. Những nỗ lực này có thể khiến giá thép Trung Quốc phục hồi và làm giảm lợi thế về thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở cải thiện và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh cũng là những động lực tăng trưởng cho giá thép nội địa. Trong quý 4/2024, các doanh nghiệp thép nội địa cũng sẽ trông đợi vào khả năng giành được thị phần nhờ thuế chống bán phá giá kỳ vọng được ban hành vào tháng 12/2024.
'Mùa xuân' giá thép có thể đến sớm? |
Dự báo nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong quý 3/2024 |
Triển vọng doanh nghiệp tôn mạ trong quý 4/2024 |