Ảnh minh họa: Thảo Ngân - Mekong ASEAN. |
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đạt doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 5.674 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là gần 1.143 tỷ đồng và lợi nhuận khác là hơn 4.531 tỷ đồng, với sự đóng góp lớn từ việc Pacific Airlines được các đối tác xóa nợ 4.665 tỷ đồng.
Với kết quả này, Vietnam Airlines đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu năm và vượt 25% kế hoạch lợi nhuận trước thuế được đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 là 4.524 tỷ đồng.
Về tình hình khai thác, hãng vận chuyển gần 11,5 triệu lượt hành khách và 143.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so sánh cùng kỳ 2023. Theo HVN, đây là kết quả tương đối khả quan của hãng trong bối cảnh giá nhiên liệu cao và tình trạng thiếu hụt máy bay do nhà sản xuất Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên toàn cầu.
Với hai quý lãi lớn liên, Vietnam Airlines đã hạ số lỗ lũy kế xuống còn 35.811 tỷ đồng, giảm 5.246 tỷ đồng so với số đầu năm, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn âm 11.533 tỷ đồng.
Tổng số nợ của HVN tính đến cuối tháng 6/2024 là 69.324 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính của doanh nghiệp này ở mức hơn 23.300 tỷ đồng.
Còn với hãng hàng không tư nhân CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC), trong 6 tháng đầu năm đã trở lại hoạt động khai thác cao hơn so với trước đại dịch Covid-19, vận chuyển 13,1 triệu khách, khai thác 70.154 chuyến bay an toàn.
Về tình hình kinh doanh, Vietjet ghi nhận 34.016 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 15,3% so với nửa đầu năm 2023. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận cũng được cải thiện đáng kể từ mức 6% lên 10,3%, lợi nhuận gộp của hãng từ đó tăng gần gấp đôi cùng kỳ lên 3.523 tỷ đồng.
Trong kỳ, các chi phí hoạt động của Vietjet đều tăng đáng kể, trong đó chi phí tài chính tăng gần 900 tỷ đồng lên 1.937,5 tỷ đồng. Tuy nhiên với lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh, lợi nhuận trước thuế của VJC vẫn đạt 1.311 tỷ đồng, cao gấp 5 lần thực hiện của nửa đầu năm 2023.
Năm 2024, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu là 65.566 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.081 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm kinh doanh, hãng hàng không này đã đạt 52% kế hoạch doanh thu và vượt 21% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/06/2024, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 91.755 tỷ đồng, tăng 5,5% so với số đầu năm, tổng nợ vay tài chính là 35.264 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ngân hàng và 19.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành.
Hết quý 2/2024, vốn chủ sở hữu của Vietjet đạt 16.791 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm, trong đó lợi nhuận chưa phân phối là 10.363 tỷ đồng.
Vietnam Airlines và Vietjet đều ghi nhận lợi nhuận vượt kế hoạch năm
Theo Vietnam Airlines, kết quả tích cực trong nửa đầu năm là nhờ vào việc hãng đã tận dụng tốt đà tăng trưởng của thị trường quốc tế để nhanh chóng phục hồi và phát triển. Tổng thị trường quốc tế 6 tháng đầu năm đạt gần 20 triệu lượt khách, tăng 42% so cùng kỳ năm 2023, phục hồi gần bằng mức trước dịch Covid-19.
Nắm bắt thời cơ, Vietnam Airlines đã mở thêm các đường bay mới đến Manila (Philippines), Thành Đô (Trung Quốc) và nâng cấp máy bay thân rộng trên các đường bay đến Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore…
Với Vietjet Air, doanh thu trong nửa đầu năm của hãng chủ yếu đến từ doanh thu vận chuyển hành quốc tế với 8.200 tỷ đồng, doanh thu vận chuyển hành khách nội địa là 7.979 tỷ đồng.
Hãng cũng rất tích cực mở mới các đường bay quốc tế, từ đầu năm đến nay Vietjet đã mở đường bay kết nối TP HCM - Tây An, Trung Quốc, Phú Quốc - Đài Trung và Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc), TP HCM - Vientiane (Lào), Nha Trang - Daegu (Hàn Quốc) dự kiến khai thác từ tháng 10/2024,…
Theo thông tin từ Cục hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, mạng đường bay quốc tế đã khôi phục tương đương giai đoạn trước dịch Covid-19 và còn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Úc...
Hiện đang có có 63 hãng hàng không bao gồm cả 4 hãng bay của Việt Nam là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Vietravel Airlines khai thác gần 160 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Với các cảng hàng không quốc tế trọng điểm, lượng hành khách quốc tế cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh so cùng kỳ 2023 và đạt tương đương mức sản lượng của năm 2019. Trong đó, hai cửa ngõ chính là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất có lượng hành khách quốc tế thông qua đạt lần lượt là 5,9 và 8 triệu khách, cao nhất từ trước đến nay.
Cục hàng không dự báo trong cả năm 2024, hoạt động khai thác thị trường quốc tế sẽ tiếp tục gia tăng và là động lực chính cho sự tăng trưởng chung của toàn thị trường, trong khi thị trường nội địa tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung do các yếu tố khách quan (thiếu hụt tàu bay, tỷ giá, lãi suất, giá nhiên liệu...)
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch chiều 2/8, cổ phiếu HVN đã có phiên tăng trần 22.500 đồng sau đà giảm sâu về mức 20.650 đồng trong phiên giao dịch chiều 1/8. Trong hai tuần qua, cổ phiếu HVN đã rơi từ vùng đỉnh 36.350 đồng về mức giá 20.650 đồng, tương đương mức giảm 43%. Còn với cổ phiếu VJC của Vietjet Air đang mức 104.800 đồng/cổ phiếu. Trong nửa đầu năm, cổ phiếu VJC đã có phiên bật tăng lên mức 118.200 đồng vào tháng 5/2024 sau đó là đà giảm xuống 102.100 đồng ở phiên giao dịch chiều 1/8, tương đương mức giảm 15,7%. |