Phải đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế

Xăng Dầu Việt nAM
23:03 - 30/03/2023
Phải đảm bảo sự chủ động, ổn định nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế. Nguồn: VGP.
Phải đảm bảo sự chủ động, ổn định nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế. Nguồn: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) sáng 30/3.

Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Tại cuộc họp, nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu Quy hoạch cần có độ chính xác lớn, tính khả thi cao, sát với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra; dự báo dài hạn, bảo đảm sự chủ động, ổn định về nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương và đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tiếp tục tiếp cận và bổ sung quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ... trong lĩnh vực năng lượng.

Dự thảo Quy hoạch phải đánh giá, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia trước đó; mức độ xung đột với các quy hoạch khác; bất cập về công nghệ dự trữ, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn môi trường...

"Quy hoạch phải phân loại rõ hệ thống cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt để có cơ chế vận hành tương ứng với các tình huống biến động thị trường, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước hay khoán trắng cho doanh nghiệp. Từ đó, xác định cơ chế quản lý, điều hành, điều phối đồng bộ, thống nhất"

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Nhắc lại bất cập của thị trường xăng dầu cuối năm 2022 đầu năm 2023, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch là "xương sống," năng lượng huyết mạch cho nền kinh tế; Phải được tính toán dựa trên các yêu cầu thực tiễn; Đồng thời giải quyết các "bài toán" về dự báo nhu cầu, phù hợp, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch về đất đai, môi trường, giao thông, đô thị...

Với xu hướng sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, Quy hoạch phải bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước; Ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số nhằm đánh giá rõ hoạt động cung ứng, điều phối, nhìn nhận diễn biến thị trường; Kết nối từ cơ sản xuất đến cơ sở bán hàng, khu vực dự trữ.

Từ đó, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ, tăng - giảm khối lượng dự trữ hợp lý, phù hợp với xu thế, kết nối với các trung tâm năng lượng tái tạo khác trên thế giới...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý Quy hoạch cần đánh giá kỹ tác động môi trường; Thiết kế cơ sở dữ liệu về thị trường xăng dầu để kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành liên quan, phục vụ công tác vận hành hệ thống cung ứng, dự trữ nhịp nhàng, đồng bộ.

Giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng kế hoạch, dự án triển khai Quy hoạch sau khi được thông qua, hoàn thiện các quy định pháp lý giám sát, cơ chế tài chính, điều phối...

Cần khoảng 270.000 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống xăng dầu, khí đốt

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, hiện chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia.

Tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn khoảng 65 ngày nhập ròng. Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành.

Sức chứa của hệ thống kho khí hóa lỏng (LPG) còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 10 kho có dung tích từ 10.000 m3 trở lên và chưa có kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được đưa vào hoạt động.

Việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho khí LNG đến các hộ tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do khi quy hoạch các khu công nghiệp chưa dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.

Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, tiến tới đạt 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ.

Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt được định hướng phát triển trên cơ sở tận dụng năng lực kết nối giao thông vận tải, ưu tiên tại các khu vực đã được quy hoạch cảng biển quy mô lớn, những khu vực thuận lợi về giao thông thủy, giao thông bộ; khai thác mọi nguồn lực trong nước và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt.

Hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt cần đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật hiện đại và phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Đơn vị tư vấn lập Quy hoạch ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên cho việc nâng mức dự trữ quốc gia cho mặt hàng xăng dầu.

Góp ý cho dự thảo Quy hoạch tại cuộc họp, các chuyên gia, ủy viên phản biện kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp, người dân, hài hòa yếu tố môi trường; tính khả thi, chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng xanh, tái tạo...

Một số chuyên gia đề nghị tránh "quy hoạch cứng" khi cơ cấu năng lượng; quá trình thực hiện quy hoạch cần phải tính toán đến các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó biến đổi khí hậu…

Tin liên quan

Đọc tiếp