Ảnh: Phân bón Cà Mau |
Ngày đăng ký cuối cùng của cổ đông là ngày 25/6, ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/6.
Phân bón Cà Mau sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 20%/mệnh giá, tương ứng một cổ phiếu nhận 2.000 đồng. Với 529,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến doanh nghiệp sẽ chi 1.058 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này.
Mới đây, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Phân bón Cà Mau, doanh nghiệp đã thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế với 841,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 794,8 tỷ đồng; dự kiến chia cổ tức 10% trong năm 2024.
Năm 2024 doanh nghiệp có kế hoạch chi 1.582 tỷ đồng đầu tư cho 3 mảng. Bao gồm, mảng nâng cấp tiếp hạng mục hạ tầng cơ sở sản xuất tại nhà máy, cụ thể là dự án mở rộng mái che, đầu tư hệ thống đưa phân bón tự động xuống xà lan, đầu tư dự án năng lượng áp mái…
Mảng đầu tư thứ hai là gia tăng cơ sở vật chất và hạ tầng. Doanh nghiệp vừa thực hiện M&A Phân bón Hàn – Việt với tổng 23,6 triệu USD. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển 22,7 ha tại Thạch Hóa, tỉnh Long An; đầu tư vào kho nhà máy NPK Bình Định – Quy Nhơn…
Mảng thứ ba đầu tư là tập trung vào các hạng mục liên quan đến cải hoán nâng cao công suất và hiệu suất thu hồi sản phẩm tại dây chuyền sản xuất hiện hữu tại nhà máy Đạm Cà Mau. Trong đó, DCM đang đầu tư cho phân xưởng, để thu hồi khí CO2 và sản xuất CO2 thực phẩm với công suất 8.000 – 9.000 tấn/năm.
Trong tháng 5/2024, doanh nghiệp đã hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại công ty TNHH Phân bón Hàn – Việt (KVF). KVF có tổng công suất thiết kế là 360.000 tấn NPK/năm với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD.
Đạm Cà Mau hoàn tất việc sở hữu Phân bón Hàn – Việt
Phân bón Dầu khí Cà Mau nâng mục tiêu sản xuất NPK trong tháng 5
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo Phân bón Cà Mau cho biết, cùng với việc tái cấu trúc và đưa vào hệ sinh thái của DCM, KVF đã bắt đầu ghi nhận lãi. Năm 2024, có khả năng KVF sẽ cung cấp khoảng 70.000 tấn NPK.
Về kế hoạch phát triển thị trường, Phân bón Cà Mau đặt ra tham vọng phát triển thêm ở mảng kinh doanh quốc tế, hoạt động rộng hơn ở thị trường nước ngoài.
Đối với các thị trường xuất khẩu, ngoài Campuchia, doanh nghiệp còn xuất khẩu khoảng 190.000 tấn phân bón sang các thị trường khác. Với thị trường mới là Australia, DCM đánh giá đây là thị trường khó tính với cơ hội lớn, có giá xuất khẩu phân bón cao hơn từ 20 – 30 USD so với các thị trường khác. Do đó, doanh nghiệp sẽ thâm nhập thị trường này với lượng phù hợp trong thời gian tới.
Bốn tháng đầu năm 2024, tổng lượng tiêu thụ ure của Phân bón Cà Mau đạt 324.820 tấn, trong đó nội địa đạt 174.160 tấn, xuất khẩu đạt 150.660 tấn; lượng tiêu thụ NPK đạt 8.420 tấn.
Mới đây, Phân bón Cà Mau đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Công trình Ngũ Hoàn Trung Quốc ((Wuhuan Engineering Co., Ltd) nghiên cứu dự án nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau.
Ba mảng chính trong hợp tác giữa Đạm Cà Mau và Wuhuan là nghiên cứu thị trường để phát triển sản phẩm; nghiên cứu dự án nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau; hợp tác để DCM cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, vận hành cho các dự án mới do Wuhuan thực hiện.
Wuhuan là một trong những công ty kỹ thuật hóa dầu lớn của Trung Quốc, có năng lực về thiết kế kỹ thuật và EPC, thực hiện nhiều dự án, trong đó có lĩnh vực hóa dầu như phân đạm, phân lân, lưu trữ và vận chuyển LNG.
Trước đó, dự án Nhà máy Đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn sản phẩm ure/năm, nguyên liệu đầu vào của nhà máy là nguồn khí từ mỏ PM3-CCA, với tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD. Dự án này có sự tham gia của Wuhuan với tư cách tổng thầu, đảm nhận thiết kế, mua sắm và thi công xây dựng.