Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 ước đạt 7,17 triệu tấn. |
Theo Báo cáo ngành hàng lúa gạo tháng 12 và năm 2022, Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2022 ước đạt 500 nghìn tấn gạo trị giá 257,2 triệu USD, tăng 1,2% về khối lượng và 0,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong cả năm 2022 ước tính đạt 7,17 triệu tấn, trị giá 3,49 tỷ USD, tăng 14,9% về khối lượng và 6,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Philipines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,0 triệu tấn, trị giá 1,39 tỷ USD, chiếm 38,8% về khối lượng và 42,9% về giá trị trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022.
So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu gạo sang Philipinnes đã tăng 30,1% về khối lượng và 18,0% về giá trị. Đứng thứ hai là Trung Quốc với 807,9 nghìn tấn, trị giá 408,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16,3% về khối lượng và 12,6% về giá trị, giảm 19,2% về khối lượng và 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Đứng thứ ba là Bờ Biển Ngà với 655,6 nghìn tấn, trị giá 294,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 6,0% về khối lượng và 9,1% về giá trị, tăng 83,0% về khối lượng và 61,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Tái cơ cấu ngành lúa gạo diễn ra mạnh mẽ
Theo Tổng cục Thống kê, diện tích lúa cả năm ước đạt 7,1 triệu ha, giảm 127,7 nghìn ha so với năm trước do ngành trồng trọt tiếp tục triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành. Ngành chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả hoặc không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nguồn: Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn. |
Năng suất lúa ước đạt 60,2 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với năm trước. Sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn, trong đó, giảm 0,89 triệu tấn do giảm diện tích đất trồng lúa và giảm 0,3 triệu tấn do giảm năng suất.
Mặc dù sản lượng lúa năm 2022 giảm so với năm trước nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Thực hiện chuyển từ sản xuất lúa gạo theo chiều rộng sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Mô hình trồng lúa chất lượng cao được nhân rộng ở nhiều địa phương. Vùng lúa chất lượng cao được tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh hợp tác, liên kết theo chuỗi để giảm chi phí, gia tăng giá trị các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Cần có quy định về nhập khẩu gạo
Việt Nam mỗi năm sản xuất từ 43 - 44 triệu tấn lúa, sau khi trừ đi tiêu dùng nội địa bao gồm cả dùng cho thức ăn chăn nuôi, hàng năm Việt Nam dành 6,0 - 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.
Việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với việc tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời.
Việc nhập khẩu gạo có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước như sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh… tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất trong nước và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội.
Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ. Nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến hoạt động, đời sống của người nông dân trong nước, góp phần ổn định an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội.
Giá lúa Jasmine (khô) trung bình tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức 7.317 đồng/kg.
Giá lúa IR50404 (khô) trung bình tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 6.663 đồng/kg.
Giá lúa OM6976 (khô) trung bình tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 7.010 đồng/kg.