Sau phiên 23/11 giảm mạnh hơn 25 điểm, thị trường mở cửa phiên 24/11 cực kỳ thận trọng với lực bán chiếm ưu thế. Lực bán không giảm đi mà ngày càng gia tăng, tạo áp lực không nhỏ lên các chỉ số chính.
Thị trường lặp lại kịch bản rung lắc dưới tham chiếu tương tự như sáng 23/11. Về cuối phiên sáng, nhóm vốn hóa lớn VN30 có phần chuyển mình, kéo thị trường trở lại tham chiếu. VN-Index bước vào giờ nghỉ trưa chỉ còn giảm hơn 2 điểm về mức 1.086 điểm.
Đà phục hồi này không không được duy trì sang phiên chiều. Thị trường tiếp tục rung lắc mạnh vùng 1.080 – 1.085 điểm với sắc đỏ bao phủ trên diện rộng. Tới 14h, lực bán lớn xuất hiện đẩy các chỉ số lao dốc mạnh, VN-Index giảm hơn 15 điểm về dưới mốc 1.075 điểm lúc 14h15.
Đây cũng là thời điểm mà cầu mua cải thiện đáng kể khi nhà đầu tư đổ vào bắt đáy. Từ mức giảm 15 điểm, chỉ trong 15 phút, VN-Index được kéo quay trở lại tham chiếu trước phiên ATC.
Chốt phiên 24/11, VN-Index tăng 7,12 điểm, tương đương tỷ lệ 0,65% lên 1.095,61 điểm. Tính riêng trong 30 phút cuối phiên, chỉ số này tăng hơn 22 điểm so với đáy. Dù tăng tương đối so với tham chiếu, độ rộng thị trường lại nghiêng hẳn về bên giảm điểm với 381 mã giảm so với 146 mã tăng trên sàn HoSE.
VN-Index đảo chiều ngoạn mục có sự đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư nước ngoài. Phiên này họ mua ròng hơn 14 triệu đơn vị, tương đương giá trị 408 tỷ đồng, qua đó kết thúc chuỗi 3 phiên bán ròng mạnh liên tiếp. Khối ngoại mua nhiều ở các mã DGC (51,39 tỷ đồng), SSI (46,93 tỷ đồng), NLG (41,59 tỷ đồng).
Đà tăng bất ngờ vào cuối phiên được thể hiện rõ nhất ở nhóm chứng khoán. Hàng loạt cổ phiếu lớn từ giảm 2-3% đảo chiều tăng mạnh như CTS (3,4%), VCI (3,6%), SSI (3,6%), VIX (3,8%). 2 mã lớn ở sàn HNX là SHS và MBS cũng có cho mình mức tăng 4,7% và 8%.
Tương tự, nhóm bất động sản cũng ghi nhận hàng loạt mã tăng mạnh sau khi giảm sâu ở phiên trước đó như NVL (3,5%), KBC (3,1%), PDR (3,2%), NLG (3,9%), SZC tăng kịch trần. Xét về số lượng, sắc đỏ cũng không quá kém cạnh so với sắc xanh, dù vậy đa phần giảm tương đối nhẹ như BCM (-0,2%), SSH (-0,3%), ACG (-0,8%)...
Ở nhóm ngân hàng, nhiều mã tăng điểm khá tốt với biên độ trên 1% như BID, CTG, HDB, EIB, LPB. Trong số ít mã ghi nhận sắc đỏ, nổi bật nhất là TCB khi mất 1,15% giá trị.
Đối với sản xuất, sự phân hoá xảy ra ở các cổ phiếu vốn hoá lớn như HPG tăng 2,13%, SAB tăng 4,3%, GVR tăng 1,3%, ở chiều ngược lại, VNM lại giảm 0,58%, MSN giảm 2,37%.