Cần có hướng đi cho 3,3 triệu ha rừng chưa có chủ. Ảnh: UBND Lai Châu. |
Theo thống kê Tổng cục lâm nghiệp, hiện còn 3.337.770 ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng chưa giao (không có chủ) đang tạm để các UBND xã quản lý. Số diện tích này có hạ tầng kém hoặc không có hồ sơ rừng do UBND cấp xã không đủ nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật để quản lý rừng và đất rừng.
Tại cuộc tọa đàm, ông Hoàng Xuân Diện, Chi hội trưởng Chi hội rừng Sơn Dương, Tuyên Quang cho biết, hiện nay, các xã chủ yếu giao rừng bằng “miệng” mà chưa có căn cứ giấy tờ cơ sở pháp lý nào. Điều đó cho thấy thiếu tính chính danh dẫn thiếu trách nhiệm đi kèm.
“Cách giao rừng là rất quan trọng. Chúng tôi kiến nghị các Bộ/ngành liên quan có các xem xét đề xuất cụ thể để tránh tình trạng 3,3 triệu ha rừng mãi ở tình trạng ‘cha chung không ai khóc’, không mang lại được hiệu quả như mong đợi”, ông Diện nêu vấn đề.
Cùng chung tình trạng này, ông Quang Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, Sơn La chia sẻ, xã này có 74ha, trong đó rừng chiếm 1/3 diện tích và đã giao một phần cho các bản quản lý. Tuy nhiên, khi triển khai phát sinh các vấn đề khó khăn vì không thể đo lường cụ thể, không có căn cứ pháp lý khiến các bản có diện tích rừng được giao xâm lấn lẫn nhau.
Bên cạnh đó, một số chủ rừng chưa quan tâm sát sao đến việc thăm nom, bảo vệ, chăm sóc. Vẫn còn mặc định đây là rừng của chung, thù lao chỉ hơn 500 nghìn cho mỗi ha/năm, nên các nông hộ thiếu động lực.
“Do vậy, chúng tôi kiến nghị các Bộ/ngành có giải pháp khắc phục tình hình hiện nay trong quản lý rừng, có giấy tờ pháp lý quy định rõ ràng để nâng trách nhiệm của các chủ rừng được giao. Nhà nước cũng xem xét nâng mức hỗ trợ để bà con có thêm động lực, cải thiện thu nhập”, ông Minh đề xuất.
Toàn cảnh toạ đàm sáng 20/3. |
Tình trạng giao rừng không đạt hiệu quả vì thiếu căn cứ pháp lý cũng xảy ra với Chi hội rừng xã Xuân Đài. Ông Phùng Thanh Minh, Chi hội trưởng rừng xã Xuân Đài (Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết, tổng diện tích rừng của xã khá nhiều, trên 875,1 ha rừng, gồm rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Thêm vào đó, 975,1ha lâm trường chuẩn bị giao cho xã Xuân Đài quản lý.
“Tuy một phần rừng xã đã giao cho các khu quản lý nhưng chưa có giấy tờ. Một phần giao cho người dân nhưng chưa hiệu quả vì chưa có pháp lý rõ ràng”, ông Minh phản ánh.
Rừng phải có chủ thực sự
Phát biểu tại tọa đàm, ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam cho biết, việc tồn tại một diện tích lớn đất rừng do UBND xã quản lý trong thời gian dài, mà chưa giao cho cộng đồng dân cư, các hộ gia đình cá nhân và các chủ rừng quản lý, là do thể chế giao đất của ngành tài nguyên môi trường có những khác biệt với việc giao rừng của ngành lâm nghiệp. Trách nhiệm giữa 2 ngành này cũng chưa rõ ràng.
Trong khi đó, việc giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý mang lại nhiều lợi ích. Không những có một lực lượng bảo vệ rừng cốt lõi mà còn giúp người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế, tạo động lực cho họ tham gia công tác bảo vệ rừng.
Theo ông Nhị, trong diện tích rừng giao cho xã quản lý, có những phần đất giao cá nhân quản lý do thói quen lâu đời nhưng chưa làm được thủ tục pháp lý. Tại một số địa phương, đa phần lớn diện tích rừng được giao khoán cho các cộng đồng quản lý bảo vệ.
“Trên thực tế, phần giao khoán này chỉ được cộng đồng dân cư công nhận nhưng chưa có thủ tục pháp lý đầy đủ. Vì vậy khi cần bán chỉ chỉ carbon hay các sản phẩm rừng với EU thì gặp khó khăn”, ông Nhị nói.
Để giải quyết tình trạng này, ông Hứa Đức Nhị cho rằng, cần có phương hướng xử lý thuận lợi hơn, thủ tục pháp lý đầy đủ hơn.
“Rừng phải có chủ thực sự. Rừng sẽ mang đến lợi ích cho một cộng đồng dân cư về nguồn nước tưới tiêu, lâm sản, rau măng… Giải pháp căn cơ là tiếp tục giao cho các cá nhân, cộng đồng dân cư bằng cách xác nhận giấy tờ thủ tục pháp lý. Việc giao đất, giao rừng cũng cần tăng tính tự quản lý cộng đồng chứ không chỉ dừng lại ở quản lý trên giấy tờ, sổ sách”, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam nhấn mạnh.
Đưa ra khuyến nghị thành lập Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng, PGS. TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) cho rằng, cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định giao đất rừng và giao rừng cho cộng đồng dân cư.
“Cần phải xây dựng, thực hiện chương trình quản lý, sử dụng có hiệu quả trên 3 triệu ha đất rừng và rừng đang được UBND cấp xã quản lý, gọi tắt là Chương trình 3 triệu ha rừng”, ông Nguyễn Bá Ngãi nêu ý kiến.