Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 30/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Tư pháp người chưa thành niên; Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng. Sau đó, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Quốc hội cũng họp riêng biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP HCM, thành phố Đà Nẵng.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Từ 15 giờ 30, Quốc hội họp phiên bế mạc.
Tại phiên bế mạc, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (trong đó có các nội dung về: Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững; về giảm thuế giá trị gia tăng).
Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là nội dung quan trọng được trình tại Kỳ họp thứ 8. Dự án được xác định là công trình có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Việc đầu tư tuyến tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Theo đề xuất của Chính phủ, điểm đầu tuyến đường sắt tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP HCM (ga Thủ Thiêm). Tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541 km. Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.
Chính phủ kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h cho đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế đất nước.