Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm của công ty đạt 1.057 tỷ đồng, tăng 39%. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 624 tỷ đồng, tăng tới 46% so với cùng kỳ. Nhờ mức tăng của doanh thu thuần, lợi nhuận gộp quý này của Bảo hiểm BIDV đã tăng 20% so với quý 1/2022, lên gần 174 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh tài chính, Bảo hiểm BIDV ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 87 tỷ đồng, tăng 12%, chi phí hoạt động tài chính giảm tới 23% còn 1,73 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận thu được từ hoạt động tài chính của Bảo hiểm BIDV đã tăng trường 13% so với cùng kỳ, đạt 85 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng mạnh 27% lên gần 160 tỷ đồng. Do đó, quý 1, Bảo hiểm BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 99 tỷ đồng và 79 tỷ đồng, tăng 6% và 5% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Bảo hiểm BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 480 tỷ đồng, tăng 21,9% so với thực hiện năm 2022. Tính đến hết quý 1, công ty đã hoàn thành 20,6% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Bảo hiểm BIDV tăng 10% so với hồi đầu năm, đạt gần 7.310 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 4.533 tỷ đồng (chiếm 62% tổng tài sản), tăng 7%. Khoản tài sản tái bảo hiểm tăng 19,3% lên 1.143 tỷ đồng. Khoản tiền và tương đương tiền đã tăng gấp gần 2,9 lần so với hồi đầu kỳ, lên 84 tỷ đồng. Khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 13% lên 713 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Bảo hiểm BIDV tăng 14% lên 4.634 tỷ đồng, chiếm tới 74% là khoản dự phòng nghiệp vụ, đạt 3.411 tỷ đồng, tăng 15% so với hồi đầu năm. Kế đó là khoản phải trả người bán ngắn hạn, đạt 765 tỷ đồng, tăng 23%.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông BIC đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm 2022 là 13%, với tỷ lệ này, công ty sẽ chi 152 tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.
Về cơ cấu kênh bán hàng của Bảo hiểm BIDV, ông Trần Hoài An, thành viên HĐQT cho biết, trong năm 2022, 50% doanh số của BIC là qua kênh đại lý và trực tiếp, với nguồn khách hàng của BIDV và khách hàng truyền thống của BIC. Trong năm 2023 và các năm tới, BIC sẽ tiếp tục duy trì các kênh phân phối hiện tại và sẽ xem xét điều chỉnh theo từng thời kỳ phụ thuộc vào định hướng kinh doanh.
Trong năm 2023, lãnh đạo BIC kỳ vọng các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như du lịch, đầu tư công, chuyển dịch năng lượng… sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng bảo hiểm Tài sản kỹ thuật, giúp thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sôi động hơn.