Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với những chỉ số tích cực hơn so với 3 năm chìm trong thua lỗ vừa qua.
Trong quý 1/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 23.494 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng hóa ở mức 21.534 tỷ đồng nên hãng chỉ thu về được 1.959 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Dù vậy, khoản lãi này vẫn tốt hơn so với khoản lỗ gộp 1.594 tỷ đồng của năm ngoái.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng tăng 262 tỷ đồng so với cùng kỳ lên mức 366 tỷ đồng,
Chi phí tài chính tăng 46% so với cùng kỳ lên 773 tỷ đồng, trong đó gần một nửa là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh tới 187% lên gần 1.048 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí khác đều cao hơn so với quý 1/2022.
Trong quý này, công ty cũng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức 57 tỷ đồng trong khi năm 2022 lỗ 2.742 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, hãng bay này ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý 1/2023 là 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế Vietnam Airlines vẫn âm 37,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2.685 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ thấp nhất của Vietnam Airlines trong 13 quý gần đây.
Lý giải về kết quả kinh doanh này, Vietnam Airlines cho biết do hãng đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay nội địa và khai thác trở lại 90% các đường bay quốc tế so với đợt dịch.
Trong quý đầu năm, Vietnam Airlines vận chuyển 5,1 triệu lượt hành khách, tăng 63% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt, gấp 11,5 lần cùng kỳ năm ngoái và tương đương 60,9% năm 2019. Sản lượng khách nội địa tăng trên 23%, lên 3,7 triệu lượt.
Lỗ sau thuế hợp nhất quý 1/2023 giảm chủ yếu do giảm lỗ của công ty mẹ và các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các dấu hiệu khởi sắc về thị trường vận tải, giá nhiên liệu, lãi suất đã bình ổn hơn, tỷ giá diễn biến thuận lợi cũng giúp Vietnam Airlines ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn so với kế hoạch.
Tại thời điểm 31/2/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 59.578 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, trong đó lượng tiền và tương đương tiền ở mức 2.845 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 16% so với đầu năm, đạt 3.570 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng số nợ của công ty giảm gần 1 tỷ đồng so với đầu năm còn 69.817 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn tăng thêm 1.639 tỷ đồng, ở mức 54.77 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 13.655 tỷ đồng. Nợ dài hạn ở mức 15.039 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của HVN vẫn âm 10.239 tỷ đồng cuối quý 1/2023, trong năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.369 tỷ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2022 là âm 10.199 tỷ đồng.
Trước đó, HoSE đã lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Tuy nhiên, công ty đã đưa ra báo cáo giải trình về tình trạng này là do nguyên nhân khách quan và việc huỷ niêm yết chỉ thực hiện với các cổ phiếu xấu nhằm thanh lọc thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư.
Hãng cũng cho biết đang thực hiện một loạt các giải pháp như giảm chi phí các yếu tố đầu vào, tái cơ cấu tài sản và các danh mục đầu tư và chuẩn bị các phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.