Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên đánh giá giải pháp, tránh phải nhập khẩu ròng năng lượng

điện lực Việt nAM
00:08 - 16/05/2023
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho ý kiến tại hội thảo. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho ý kiến tại hội thảo. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện Quy hoạch điện VIII nên ưu tiên tập trung vào các giải pháp, vấn đề lớn và có thể cho cơ chế đặc thù để triển khai sơ đồ điện VIII trong từng giai đoạn, tránh phải nhập khẩu ròng năng lượng.

Đó là quan điểm được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo ''Quy hoạch điện VIII – Những vấn đề đặt ra và giải pháp'' chiều 15/5, tại Nhà Quốc hội, do Đoàn Giám sát phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu rõ, thời gian qua, Bộ Công Thương đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo Quy hoạch điện VIII).

Ông Tạ Đình Thi nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn giám sát là xem xét việc lập, trình phê duyệt và các nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch điện VIII để kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập và nguyên nhân.

Đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để khắc phục và tổ chức thực hiện theo quy định, rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình thực hiện quy hoạch trước đây, bảo đảm Quy hoạch điện VIII thật sự thiết thực, khả thi.

Cho ý kiến về dự thảo Quy hoạch điện VIII, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần xác định Quy hoạch điện VIII là quy hoạch đặc biệt, xây dựng trong bối cảnh mới nên khi phê duyệt quy hoạch cần chấp nhận sự thay đổi về tư duy, đặc biệt là chú trọng quá trình tổ chức thực thi.

Để thực thi được cần có thể cho cơ chế đặc thù để triển khai sơ đồ điện VIII trong từng giai đoạn cụ thể, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thể thực hiện được mục tiêu đã xác định.

Đề cập về phân bổ công suất trong phát triển điện gió, mặt trời và điện khí tự nhiên hóa lỏng khi thực hiện Quy hoạch điện VIII, ông Trần Anh Thái, nguyên Trưởng Ban Lưới điện, nguyên Giám đốc Trung tâm điều độ về hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nêu quan điểm, dự thảo Quy hoạch điện VIII cần phân tích và đánh giá rủi ro đối với việc triển khai các dự án nhà máy điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than và nhiệt điện khí từ nay cho đến năm 2030.

"Khối lượng này là quá lớn mà thời gian chúng ta không còn nhiều. Do vậy, trên cơ sở đánh giá rủi ro này, cần đưa ra luôn giải pháp thay thế để việc điều chỉnh qui hoạch trong quá trình thực hiện được thuận lợi, nhanh chóng và tuân thủ pháp luật" Ông Trần Anh Thái

Bên cạnh đó, ông Thái cũng cho rằng dự thảo Quy hoạch điện VIII cần đánh giá đầy đủ các giải pháp phải thực hiện để có thể tích hợp với tỷ lệ ngày càng cao các nhà máy gió và mặt trời vào hệ thống điện. Các giải pháp kỹ thuật để xử lý các vấn đề kỹ thuật như quán tính thấp, liên kết yếu, điều khiển tần số, điều khiển điện áp, ổn định động… của hệ thống điện cũng cần được xem xét vì chi phí thực hiện cũng không phải là nhỏ.

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch khó, tác động lớn đến phát triển điện lực, liên quan đến thực hiện các mục tiêu phát triển của nước ta. Điểm khó khác của Quy hoạch điện VIII là có bối cảnh rất khác với bối cảnh lập các quy hoạch điện trước.

Bởi xu thế tiêu thụ của năng lượng của thế giới tác động cơ bản đến việc khai thác, sử dụng năng lượng, trong đó gần đây xu thế giảm tiêu thụ carbon đang là rào cản với các nền kinh tế. Ngoài ra, các yếu tố bất thường như căng thẳng địa chính trị cũng đòi hỏi các quốc gia phải xem lại bài toán năng lượng, phát triển điện lực.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, thực tế, từ năm 2015, từ quốc gia xuất khẩu năng lượng ròng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Các tính toán trước đây và cho đến bây giờ cho thấy, nếu chúng ta không có tính toán căn cơ, giải pháp sớm thì sẽ tiếp tục nhập ròng năng lượng lớn trong xu thế chung của khu vực Đông Nam Á.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội.

"Song hiện không dễ gì nhập khẩu than, khí hóa lỏng vì sẽ đẩy giá gấp 4 lần so với hiện nay. Nếu không tính toán lại căn cơ, chúng ta sẽ rất khó khăn trong thời gian tới", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định.

Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển bền vững năng lượng trong nước, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tối muộn 15/5, Bộ Công Thương phát đi thông tin Quy hoạch điện VIII đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin liên quan

Đọc tiếp