Quy hoạch điện VIII: Yêu cầu làm rõ nguyên nhân khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ

điện lực Việt nAM
10:43 - 05/05/2023
Quy hoạch điện VIII cần bổ sung điểm mới về tư duy và tiến bộ khoa học - công nghệ. Nguồn: VGP.
Quy hoạch điện VIII cần bổ sung điểm mới về tư duy và tiến bộ khoa học - công nghệ. Nguồn: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, bên cạnh việc cập nhập các số liệu sát với thực tiễn, nhu cầu phát triển, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) chiều 4/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm.

Quy hoạch điện VIII đánh giá toàn diện thực trạng Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh, chỉ ra tồn tại, yếu kém từ chất lượng quy hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện, rút ra nhiều bài học về kỷ luật, kỷ cương, tính đồng bộ, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh việc cập nhập các số liệu sát với thực tiễn, nhu cầu phát triển, yêu cầu Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn tiếp tục làm rõ những nguyên nhân khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ, có giải pháp khắc phục trên cơ sở xác định "quy hoạch điện không phải là quy hoạch tổng thể, mà liên quan đến quy hoạch vùng, địa phương, đất đai, nguồn lực, cơ chế thực hiện".

Về quan điểm phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch điện VIII cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm giải quyết các thách thức đặt ra trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero), chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đánh thuế carbon với hàng hoá sản xuất sử dụng năng lượng hoá thạch…

"Đây là xu thế tất yếu, cơ hội để Việt Nam hội nhập, chuyển đổi thành công nền kinh tế, tạo được ưu thế trên thị trường thương mại tự do, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết", Phó Thủ tướng nói.

Đối với các kịch bản được nêu trong Quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ hơn tính khả thi về công nghệ, hiệu quả tổng thể (nguồn điện, an toàn hệ thống truyền tải, phụ tải…), giải pháp và cơ chế đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các trung tâm công nghiệp, cụm kinh tế trọng điểm, người dân…, nhất là trường hợp nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, không có trong quy hoạch.

"Trong trường hợp nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng lên, hoặc để đạt mục tiêu cấp điện cho 100% người dân thì cần có cơ chế phù hợp cho điện áp mái, hoặc cơ chế sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo tại chỗ cho các doanh nghiệp sản xuất", Phó Thủ tướng gợi mở.

Nhấn mạnh quan điểm "đầu tư cho nguồn điện để dẫn dắt kinh tế, định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm kinh tế", Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch phải có tiêu chí, "công cụ" để xác định kế hoạch chi tiết về lộ trình, địa điểm, nhu cầu sử dụng điện, dự án ưu tiên… dựa trên hiệu quả kinh tế; tính tối ưu tổng thể giữa nguồn, hạ tầng truyền tải và phụ tải; giải pháp tiêu thụ điện linh hoạt; sự phát triển các công nghệ mới…

"Quy hoạch điện VIII phải đặt trong mối quan hệ tương tác với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, tích hợp trong quy hoạch sử dụng đất, có cơ chế lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thu hút nguồn vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân (trong nước và nước ngoài) trong phát triển nguồn điện nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh, quốc phòng".Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Trong phát triển hạ tầng truyền tải, Phó Thủ tướng cho rằng cần thúc đẩy hợp tác công tư, nghiên cứu phương án bán điện trực tiếp, bảo đảm an ninh năng lượng bằng nhiều nguồn, hạ tầng truyền tải điện.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương, ngành điện nghiên cứu sâu, bổ sung những vấn đề liên quan đến chuyển đổi năng lượng công bằng kết hợp giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, như: thu giữ carbon, trồng rừng, các nguồn tài chính xanh (tín chỉ carbon, trái phiếu xanh), sản xuất, lưu trữ, sử dụng hydro xanh, amoniac xanh; công nghệ điện hạt nhân thế hệ mới…

Đồng thời, có chính sách để các doanh nghiệp năng lượng lớn của Việt Nam thí điểm hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, từng bước làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị, hạ tầng truyền tải để hình thành "hệ sinh thái" công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh gắn với gắn với các khu công nghiệp tập trung. Phát triển Việt Nam thành trung tâm năng lượng tái tạo trong trục truyền tải năng lượng tái tạo châu Á - Thái Bình Dương.

Tin liên quan

Đọc tiếp