Quý III/2022, Tổng Công ty Sông Đà lãi gần gấp 2 lần cùng kỳ

Sông Đà Thủy Điện
12:11 - 02/11/2022
Quý III/2022, Tổng Công ty Sông Đà lãi gần gấp 2 lần cùng kỳ
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Công ty Sông Đà - CTCP (UpCOM: SJG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ 2021.

Theo đó, quý III/2022, Sông Đà ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.538 tỷ đồng, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước, giá vốn hàng bán là 1.007 tỷ đồng, giảm 13%. Nhờ tốc độ giảm của giá vốn cao hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của công ty tăng 11% lên 531 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính kỳ này của công ty đạt 86,5 tỷ đồng, tăng 193%, chi phí tài chính giảm 17%. Do đó, lợi nhuận sau thuế của Sông Đà đạt 306 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Sông Đà ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.088 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng giảm 20% xuống còn 2.801 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng mạnh gấp gần 20,8 lần so với cùng kỳ lên 3.281 tỷ đồng. Trong khi chi phí tài chính chỉ tăng 47% lên 903 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế 9 tháng 2022 đạt lần lượt 1.801 tỷ và 1.548 tỷ đồng, gấp khoảng 6 lần cùng kỳ.

Trong năm 2022, Sông Đà đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 6.830 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 418 tỷ đồng. Như vậy, đến hết quý III, công ty đã hoàn thành 59,9% kế hoạch doanh thu và đã gấp 4,3 lần kế hoạch lợi nhuận.

Tại thời điểm 30/09/2022, quy mô tổng tài sản của Sông Đà ở mức 25.488 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với con số đầu năm. Trong đó, mục tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh gấp 6,1 lần so với đầu năm, lên 2.867 tỷ đồng. Khoản hàng tồn kho là 2.495 tỷ đồng tăng 7%, chủ yếu là chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và nguyên vật liệu.

Khoản tiền gửi ngắn hạn cũng tăng mạnh từ 54 tỷ đồng lên 1.436 tỷ đồng. Khoản dự phòng phát thu ngắn hạn khó đòi bất ngờ tăng gấp 5,6 lần lên 1.859 tỷ đồng, khiến khoản phải thu ngắn hạn giảm 17% còn 6.175 tỷ đồng…

Ngoài ra, tính tới ngày 30/9, công ty đã thoái vốn hoàn toàn khỏi 3 công ty con là CTCP ĐTPT Đô thị và KCN Sông Đà, CTCP Thủy điện Sử Pán 2, CTCP Vận tải Sản phẩm Dầu mỏ Phương Đông.

Nợ phải trả giảm nhẹ 2% xuống còn 16.677 tỷ đồng, trong đó, tổng vay và nợ thuê tài chính của Sông Đà đạt 8.943, giảm 11% so với con số hồi đầu năm, bao gồm khoản vay ngắn hạn 3.784 tỷ đồng, giảm 18% và khoản vay dài hạn 5.159 tỷ đồng giảm nhẹ 5%, chủ yếu là vay ngân hàng và khoảng 350 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 8.811 tỷ đồng, tăng 20% so với hồi đầu năm, chủ yếu nhờ mức tăng của lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, lên 2.063 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Đà tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước thành lập từ năm 1961. Năm 2018, công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần và đổi tên thành Tổng công ty Sông Đà - CTCP.

Các lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là xây dựng các nhà máy điện, cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà máy công nghiệp, công trình dân dụng; chế tạo và cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng; cung cấp dịch vụ nhân lực, công nghệ xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Cổ phiếu SJG đã chứng kiến một đà giảm từ vùng đỉnh ngắn hạn khoảng 30.000 đồng/cp từ hồi đầu tháng 8 xuống vùng giá khoảng 12.000 - 13.000 đồng/cp trong tháng 10. Ảnh: TradingView

Cổ phiếu SJG đã chứng kiến một đà giảm từ vùng đỉnh ngắn hạn khoảng 30.000 đồng/cp từ hồi đầu tháng 8 xuống vùng giá khoảng 12.000 - 13.000 đồng/cp trong tháng 10. Ảnh: TradingView

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SJG đã chứng kiến một đà giảm từ vùng đỉnh ngắn hạn khoảng 30.000 đồng/cp từ hồi đầu tháng 8 xuống vùng giá khoảng 12.000 - 13.000 đồng/cp trong tháng 10. Kết phiên giao dịch sáng ngày 2/11, cổ phiếu SJG tăng mạnh 10,5% lên mức 14.700 đồng/cp, tương đương vốn hóa khoảng 6.608,2 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp