Rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 80% về trị giá

TRUNG QUỐC Thương Mại
17:19 - 26/06/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2023, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt 61,53 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam nhập siêu 20,85 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

Theo đó, Việt Nam xuất khẩu 20,34 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu hàng hóa đạt 41,19 tỷ USD, giảm 17,9%.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất và xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023.

5 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận kim ngạch tỷ USD

Trong 5 tháng đầu năm 2023, 5 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch tỷ USD với tổng 13,03 tỷ USD, chiếm 64% trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.

Cụ thể, điện thoại và linh kiện là mặt hàng có trị giá lớn nhất với 4,74 tỷ USD, ghi nhận giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ hai là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 4,61 tỷ USD, tăng 1,1%; tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với 1,24 tỷ USD, tăng 3,5%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với 1,14 tỷ USD, giảm 18,8%.

Đáng chú ý, hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng tới 80% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên mốc 1,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2023. Đây cũng là mức kim ngạch xuất khẩu 5 tháng cao nhất của mặt hàng này kể từ năm 2020 đến nay.

Ngoài các mặt hàng tỷ USD, Việt Nam còn có 17 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trị giá từ 100 triệu USD đến dưới 1 tỷ USD. Tổng kim ngạch 17 mặt hàng này đạt 6,34 tỷ USD, chiếm 31% trị giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này.

Trong nhóm này, xơ, sợi dệt các loại là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 826 triệu USD. Đứng thứ 2 là giày dép với 793 triệu USD; tiếp đến là cao su với 600 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ với 586 triệu USD; hàng thủy sản với 512 triệu USD; sắn và sản phẩm từ sắn với 467 triệu USD…

Trong nhóm nông sản, ngoài sắn và rau quả, Việt Nam còn xuất khẩu 30.179 tấn hạt điều sang Trung Quốc với trị giá 198,8 triệu USD; 17.617 tấn cà phê với 54,9 triệu USD; 1.757 tấn chè với 4,22 triệu USD; 632.469 tấn gạo với 364,1 triệu USD.

Về tăng trưởng, trong 42 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Việt Nam có 18 mặt hàng ghi nhận tăng về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 2 mặt hàng xuất khẩu ghi nhận kết quả tăng trưởng tới 3 con số, bao gồm xăng dầu có mức tăng cao nhất với +113%; giấy và sản phẩm giấy với +104%.

Đứng sau là mặt hàng clinker và xi măng với +92%; hàng rau quả với +80%; than với +71%; gạo với +79%; chè với +58%; hạt điều với +50%; đồ chơi, dụng cụ phụ tùng khác với +48%... Nhìn chung, các mặt hàng thuộc nhóm nông sản đều ghi nhận tăng về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, có 24 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2022. Sắt thép có mức giảm thấp nhất với -87%; đứng sau là thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh với -63%; sản phẩm sắt thép -39%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm với -35,8%; sản phẩm gốm, sứ với -35,6%; hóa chất với -33,5%...

Trong nhóm nông, thủy sản, cà phê và sắn ghi nhận giảm lần lượt -0,4% và -18,8%; hàng thủy sản giảm tới 25%.

35/45 mặt hàng nhập khẩu giảm trị giá so với cùng kỳ năm trước

5 tháng đầu năm 2023, có 10 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trị giá từ 1 tỷ USD với tổng kim ngạch 31,09 tỷ USD, chiếm 75% tổng hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có trị giá cao nhất với 8,35 tỷ USD. Đứng thứ 2 là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 8,35 tỷ USD; tiếp đến là vải với 3,38 tỷ USD; điện thoại và linh kiện với 2,52 tỷ USD; sắt thép với 1,8 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo với 1,53 tỷ USD; sản phẩm hóa chất với 1,4 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày với 1,23 tỷ USD; sản phẩm từ sắt thép với 1,21 tỷ USD; hóa chất với 1,2 tỷ USD.

Nhìn chung, các mặt hàng nhập khẩu trên đều ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, điện thoại và linh kiện có mức giảm cao nhất với -32% so với cùng kỳ năm trước. Đứng sau là vải với -20%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với -19%...

Trong nhóm hàng có trị giá từ 100 triệu USD đến dưới 1 tỷ USD ghi nhận có 21 mặt hàng với tổng kim ngạch 7,06 tỷ USD, chiếm 17% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kim loại thường là mặt hàng có trị giá cao nhất nhóm này với 959 triệu USD, đứng sau là chất dẻo nguyên liệu với 837 triệu USD; sản phẩm từ kim loại thường với 616 triệu USD; dây điện và dây cáp điện với 558 triệu USD…

Trong nhóm nông, thủy sản, Việt Nam nhập khẩu 90 triệu USD hàng thủy sản; 259 triệu USD hàng rau quả và 6,5 triệu USD hàng dầu mỡ động thực vật từ Trung Quốc.

Về tăng trưởng, trong 45 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có 10 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương. Quặng và khoáng sản khác là mặt hàng tăng cao nhất với +46%; tiếp đến là chế phẩm thực phẩm khác với +28%; phân bón với +27%...

Ngược lại, có tới 35 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, than là mặt hàng có mức giảm cao nhất với -87%; tiếp đến là nguyên phụ liệu thuốc là với -62%; ô tô nguyên chiếc -50%; dược phẩm -48,9%...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.