Trạm sạc xe thông minh của Connected Kerb tại London, Anh. Ảnh: Reuters |
Theo công ty kiểm toán EY, châu Âu sẽ có 65 triệu xe điện vào năm 2030 và lên tới gấp đôi là 130 triệu xe vào năm 2035. Sạc thông minh cho các bộ sạc công cộng là một thách thức lớn vì không có nhiều trạm sạc công cộng sử dụng công nghệ này cho những người không thể sạc ở nhà và phải đậu xe trên đường. Theo một báo cáo từ EY và Eurelectric, châu Âu nói riêng sẽ cần 9 triệu trạm sạc công cộng vào năm 2035, tăng so với con số 374.000 hiện nay để có thể đáp ứng được số lượng xe điện gia tăng.
Nếu không có công nghệ này, hàng triệu chủ sở hữu xe điện sẽ lựa chọn sạc xe của mình sau giờ làm việc khi giờ cao điểm đã qua. Với số lượng xe khổng lồ như trên, mạng lưới điện địa phương có thể bị quá tải và do đó dẫn tới mất điện.
Tuy nhiên với phần mềm sạc thông minh, chủ sở hữu xe điện có thể sạc điện trong giờ cao điểm khi giá tiền điện đắt hơn mà không cần đợi tới ngoài giờ cao điểm. Khi sử dụng ứng dụng sạc thông minh trên điện thoại di động của Connected Kerb - công ty sạc xe điện của Anh - chủ sở hữu xe có thể cài đặt tốc độ sạc, thời gian sạc và mức giá xuống mức thân thiện là 26 US cent cho mỗi kilowatt.
Trong tương lai gần, công nghệ sạc hai chiều hoặc với tên gọi khác là “vehicle-to-grid” cũng sẽ được phát triển, để giúp chủ sở hữu xe có thể bán lại điện từ xe của mình cho các nhà vận hành lưới điện trong giờ cao điểm. Điều này sẽ giúp giảm căng thẳng cho lưới điện, đồng thời giúp việc sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả hơn và tiết kiệm tiền cho người lái xe.
Theo ước tính của Rightcharge, một công ty Anh chuyên giúp các chủ sở hữu xe điện tìm giá sạc thấp nhất, sạc thông minh có thể tiết kiệm 13,5 tỷ USD cho các tài xế ở Anh vào năm 2030. Theo ông Berg thuộc We Drive Solar, công ty đang hợp tác với Renault SA và Hyundai Motor trong việc phát triển các công nghệ sạc trên, một chiếc xe điện được sạc đầy có thể cung cấp năng lượng cho một ngôi nhà ở Hà Lan trong trung bình một tuần.
Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem của Anh cũng đưa ước tính rằng mức giảm điện năng giờ cao điểm nhờ sạc thông minh và sạc hai chiều vào năm 2050 có thể tương đương với "10 nhà máy hạt nhân Hinkley Point C" - một nhà máy hai lò phản ứng đang được xây dựng tại Anh.
Hơn nữa tại những nước như Na Uy, nơi doanh số bán xe điện chiếm tới 3/4 doanh số bán hàng tại thủ đô Oslo, công nghệ sạc thông minh sẽ vô cùng cần thiết. Các trạm biến áp địa phương tại đây được xây dựng từ những năm 1950 và nếu không có sạc thông minh, Oslo sẽ phải nâng cấp mạng lưới điện của mình trên diện rộng và việc này sẽ vô cùng tốn kém.
Do đó, công nghệ sạc thông minh sẽ vô cùng cần thiết cho một tương lai xe điện. Ông Chris Pateman-Jones, Giám đốc điều hành của Connected Curb, nhận định nếu không có công nghệ sạc thông minh, việc điện hóa giao thông sẽ không thể xảy ra.
Connected Kerb cũng đặt mục tiêu xây dựng 190.000 trạm sạc trên đường phố Anh vào năm 2030. Với số lượng trạm sạc này, công ty có thể dự đoán xu hướng sạc của người dùng cho các nhà vận hành mạng lưới điện và đưa ra mức giá thấp hơn một khi năng lượng tái tạo trở nên phổ biến.
Mẫu xe điện IONIQ sử dụng công nghệ sạc hai chiều của Hyundai. Ảnh: Hyundai |
Tăng cường nhận thức người dùng và nỗ lực của các nhà sản xuất xe điện
Theo Smart Electric Power Alliance, chỉ một phần nhỏ các công ty sản xuất bộ sạc tại Mỹ cung cấp tiện ích sạc thông minh cho người dùng.
Cơ quan quản lý năng lượng Ofgem của Anh cũng cho biết ngay cả ở một nơi mà công nghệ sạc thông minh tại nhà phổ biến rộng rãi như quốc gia này, nhiều chủ sở hữu xe điện không biết tính năng này có tồn tại.
Hơn nữa, dù một số nhà cung cấp năng lượng tại Anh đã cung cấp mức phí thấp nhất cho việc sạc thông minh tại nhà, nhiều chủ sở hữu vẫn chưa ý thức được việc sử dụng chúng. Ông Charlie Cook, Giám đốc điều hành của Rightcharge, chia sẻ: “Sạc thông minh có vẻ là một thương vụ lời, nhưng trên thực tế, số lượng người nhận thức được về nó thấp một cách đáng ngạc nhiên". Những người ủng hộ xe điện từ giai đoạn sơ khai thường có hiểu biết khá tường tận về các công nghệ sạc thông minh. Tuy nhiên điều này đã thay đổi khi doanh số xe điện bắt đầu gia tăng.
Ngoài ra, rất ít xe điện hiện nay trừ các mẫu xe sắp ra mắt của hai hãng Renault và Hyundai, có khả năng sạc hai chiều. Dù Oslo đang đầu tư mạnh vào các dự án thử nghiệm sạc hai chiều, nhiều nhà sản xuất vẫn chưa cho ra mắt các loại xe có thể cấp điện ngược trở lại lưới điện. Giám đốc cơ sở hạ tầng Portvik tại Oslo nhận định hạn chế lớn nhất với loại công nghệ này đang nằm ở các nhà sản xuất ô tô. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng các hãng xe lớn cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ này.
Robin Berg, Giám đốc điều hành của We Drive Solar, cho biết: “Hầu hết xe điện tại thời điểm này vẫn chưa hỗ trợ sạc hai chiều”. Tuy nhiên với việc hai nhà sản xuất trên đang dẫn đầu thị trường về các mẫu xe sử dụng công nghệ sạc thông minh, các nhà sản xuất khác sẽ dần noi theo. Ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô đang áp dụng tính năng sạc hai chiều cho xe của mình. Ford Motor đã hợp tác với công ty năng lượng mặt trời Sunrun nhằm sử dụng mẫu xe bán tải F-150 Lightning của hãng trong việc cung cấp năng lượng cho các ngôi nhà.
Một công ty mang tên Nuvve Holding Corp có trụ sở tại California, Mỹ cũng đã thành lập Levo, một liên doanh với công ty cổ phần tư nhân Stonepeak, nhằm cho phép các chủ sở xe điện bán điện trở lại cho các công ty điện. Theo giám đốc điều hành Nuvve Gregory Poilasne, khách hàng có thể tạo ra doanh thu nên công ty có thể giảm chi phí sở hữu xe đáng kể.
Hiện thị trường Mỹ cũng đang có hơn 10 dự án thí điểm phương pháp sạc hai chiều với xe bus học sinh. Các nhà sản xuất bộ sạc khác như Tritium tại Australia cũng đang phát triển các bộ sạc hai chiều. Giám đốc điều hành Jane Hunter cho biết công ty sẽ ra mắt thiết bị sạc nhanh gắn tường hai chiều vào năm 2023.