Tổng lượng thép tiêu thụ của Hòa Phát giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm. |
Theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 11 công bố ngày 6/12, tháng 11/2022, Hòa Phát ghi nhận 384.000 tấn thép thô, giảm 43% so với cùng kỳ 2021. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30% so với tháng 11 năm trước. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 252.000 tấn, tăng 20% so với tháng 10 và giảm 7% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 180.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.
Theo Hòa Phát, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm thép nhìn chung vẫn chưa được cải thiện. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm. Tiêu thụ thép xây dựng trong nước phục hồi nhẹ so với tháng trước nhưng thị trường xuất khẩu giảm hơn 70% so với cùng kỳ.
Việc tiêu thụ các sản phẩm thép hạ nguồn cũng gặp khó khăn do thị trường trầm lắng. Theo đó, sản lượng ống thép và tôn mạ đạt lần lượt 53.000, 22.800 tấn trong tháng 11/2022. Riêng xuất khẩu tôn mạ là 9.000 tấn, bằng 16% so với tháng 11/2021.
Lũy kế 11 tháng, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 7 triệu tấn thép thô, giảm 6% so với 11 tháng 2021. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 6,6 triệu tấn, cùng giảm mức 6%, chủ yếu do không có đơn hàng xuất khẩu phôi thép như năm trước. Trong đó, thép xây dựng chiếm 3,9 triệu tấn, tăng 11%, HRC đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.
Qua 11 tháng, ống thép Hòa Phát bán 688.000 tấn, tăng 11%. Sản phẩm tôn mạ của Tập đoàn ghi nhận gần 300.000 tấn, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Chuỗi sản phẩm thép hiện nay của Hòa Phát bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, ống thép, tôn mạ. Doanh nghiệp đã tiên phong chế tạo ra các dòng thép cuộn chất lượng cao, thay thế hàng nhập khẩu, phục vụ sản xuất thép dự ứng lực, thép rút dây, thép làm tanh lốp ô tô, lõi que hàn, đinh vít.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, năm 2023, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng. Giải ngân đầu tư công đã tăng tốc dần trong quý 4/2022 và các nhà sản xuất thép xây dựng có thể hưởng lợi (Hòa Phát, Formosa, Pomina…).
Nhu cầu đầu tư và tiêu dùng toàn cầu và gián tiếp là nhu cầu sử dụng thép đã thu hẹp trong năm 2022 do lãi suất tăng và sức mua suy yếu. Điều này sẽ còn tiếp diễn khi làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo vẫn kéo dài đến tháng 5/2023. Vì vậy, VDSC không kỳ vọng một sự bật tăng mạnh về xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023, trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại.