Sản lượng lúa ĐBSCL giảm trong khi giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới

ĐBSCL Lúa gạo
11:16 - 21/11/2022
Sản lượng lúa ĐBSCL giảm trong khi giá gạo Việt Nam đang cao nhất thế giới
0:00 / 0:00
0:00
Theo đại diện Cục trồng trọt tại TP HCM, so với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện giảm từ 4,3 triệu ha xuống còn 3,8 triệu ha, do chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn trái, nuôi thuỷ sản.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những đồng lúa Đông Xuân sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch. Nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu toàn ngành gạo năm 2022 có thể đạt từ 6,8 tới 7 triệu tấn.

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang ghi nhận một thực trạng diện tích sản xuất lúa giảm nhưng giá trị lại tăng.

Thông tin rõ hơn về vấn đề này, tại diễn đàn “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, cuối tuần qua, ông Nguyễn Văn Đoan, Trưởng Văn phòng đại diện Cục trồng trọt tại TP HCM cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gieo trồng lúa gạo lớn, bình quân hàng năm khoảng 4 triệu ha, có nhiều năm cao điểm lên tới 4,3 triệu ha, chiếm khoảng 56% tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa gạo cả nước.

Hiện nay, bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiến bộ trong sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao. Sản lượng khoảng 24 triệu tấn/năm. Gạo phục vụ xuất khẩu từ 6 - 8 triệu tấn/năm, trị giá 3,7 tỷ USD.

So với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại vùng này từ 4,3 triệu ha nay đã giảm xuống còn 3,8 triệu ha, sản lượng đạt gần 3,8 triệu tấn. Nguyên nhân là do chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn trái, nuôi thuỷ sản. Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 6 triệu tấn. Dự kiến xuất khẩu gạo năm 2022 đạt trị giá khoảng 2,9 tỷ USD.

“Mặc dù diện tích trồng giảm nhưng giá trị lại tăng, nguyên nhân là do các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, nhiều giống lúa chất lượng như ST24, ST25. Tỷ lệ gạo chất lượng cao đạt gần 50%”, ông Đoan lý giải.

Năm 2023, theo kế hoạch, Trưởng Văn phòng đại diện Cục trồng trọt tại TP HCM thông tin, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu ha, sản lượng 24 triệu tấn, thời vụ tuỳ thuộc vào mùa nước, nhưng ưu tiên xuống giống nhanh, kịp thời vụ.

Ngoài ra, vùng tiếp tục áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ưu tiên hàng đầu là giảm khối lượng giống gieo sạ. Hiện nay đã giảm từ 150 kg/ha xuống còn 120 kg/ha, thậm chí nhiều nơi giảm thấp hơn, còn dưới 100 kg/ha.

Về cơ cấu giống, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỉ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp. Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã.

Thêm vào đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 - 100 kg/ha. Tăng cường sử dụng công cụ sạ bằng máy, sử dụng máy cấy, cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng.

Đề xuất đề án nghiên cứu giảm sản lượng, tăng thu nhập

Trước thực trạng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy sản lượng giảm nhưng giá trị tăng, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông cho rằng đây là một diễn biến tốt.

Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông nhìn nhận, những năm gần đây, việc sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đó là áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng lúa gạo, chất lượng giống, quy trình, nhằm mục tiêu quan trọng là nâng cao giá trị xuất khẩu.

“Tuy nhiên về ý kiến giảm sản lượng, tăng thu nhập cho nông dân, cái này tôi hơi nghi ngờ, vì thực tế chúng ta chưa có đề án nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Từ hơn 1 tháng nay, Việt Nam không đủ gạo để xuất khẩu. Trong khi gạo Việt Nam hiện giờ có giá cao nhất thế giới, vậy thì tại sao phải giảm sản lượng”?, ông Việt Anh quan ngại.

Do đó, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông cho rằng, cần có đề án nghiên cứu kỹ lưỡng về việc có thể giảm sản lượng mà vẫn tăng thu nhập cho người nông dân.

Ảnh tác giả

Tôi tham gia ngành hàng gạo từ năm 1995, tôi thấy làm được điều này không phải dễ, cả doanh nước ngoài cũng vậy chứ không phải chỉ doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp ngành hàng gạo nước ngoài nếu để giảm sản lượng trường kỳ cũng phá sản, rút khỏi ngành gạo".

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông

Đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương công bố giá lúa định kỳ

Cũng tại Diễn đàn “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.

Do đó, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.