Theo kế hoạch của Ban Tổ chức, ngày 7/3 (tức ngày 8/2 âm lịch), buổi sáng từ 7h30 - 11h00 tổ chức các trò chơi kéo co, cờ tướng. Buổi chiều từ 13h30 - 16h00 tổ chức giải thi đấu bóng bàn, cầu lông. Buổi tối từ 19h30 - 22h00 sẽ có các chương trình đêm văn nghệ của địa phương.
Ngày 8/3 (ngày 9/2 âm lịch), buổi sáng diễn ra trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các xã, thị trấn trong huyện; biểu diễn múa rối nước. Buổi chiều từ 13h30 - 16h00 biểu diễn múa rối nước; lễ trình trước khi thực hiện lễ rước nước; lễ khai quang tịnh đền. Buổi tối từ 19h30’ - 22h00 tổ chức chương trình đêm văn nghệ chào mừng.
![]() |
Đền Tranh tọa lạc tại khu Tranh Xuyên, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ảnh tư liệu/Phùng Nguyện. |
Ngày 9/3 (ngày 10/2 âm lịch), buổi sáng từ 6h30 - 11h15 diễn ra lễ rước nước; các đoàn dâng lễ vật; chương trình văn nghệ và múa lân - sư - rồng; biểu diễn võ cổ truyền; diễn văn khai hội; đánh trống khai hội; lễ dâng hương...
Buổi chiều ngày 9/3 từ 14h00 - 21h00 tổ chức các trò chơi dân gian như đập niêu đất, bắt trạch trong chum, bịt mắt bắt dê, vật dân tộc, đi cầu kiều trên cạn, pháo đất, đẩy gậy; tế Quan và tế Mẫu. Buổi tối từ 20h00 - 21h00 diễn ra lễ mộc dục. Và chiều 13/3 (chiều 14/2 âm lịch) từ 14h00 - 16h00 diễn ra lễ tế tạ.
Lễ hội được tổ chức với quy mô cấp huyện. Địa điểm diễn ra tại khu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đền Tranh, khu Tranh Xuyên, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
![]() |
Ngôi đền tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi với 34 gian lớn, nhỏ. Tổng diện tích của khu di tích khoảng hơn 29.000 m2. Ảnh tư liệu/Phùng Nguyện. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) Nguyễn Thành Vạn cho biết, việc tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, truyền thống tốt đẹp của lễ hội đền Tranh - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật được thờ tại di tích.
Thông qua các hoạt động lễ hội, góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hoá tiêu biểu, truyền thống tốt đẹp của lễ hội đền Tranh, điểm du lịch di tích đền Tranh; giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc thực hiện, giữ gìn phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc.
![]() |
Đền Tranh thờ Quan Lớn Tuần Tranh - vị tôn quan thứ 5 trong Ngũ vị Tôn Ông của tín ngưỡng thờ Tứ phủ trong dân gian của người Việt.️ Ảnh tư liệu/Phùng Nguyện. |
Theo lịch sử địa phương, đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh (là vị tôn quan thứ 5 trong Ngũ vị Tôn Ông của tín ngưỡng thờ Tứ phủ trong dân gian của người Việt).
![]() |
Lễ hội đền Tranh - thị trấn Ninh Giang năm nay gồm có phần lễ và phần hội đặc sắc. Trong ảnh: Lễ rước nước tạ lễ hội đền Tranh. Ảnh tư liệu/Phùng Nguyện. |
Đền Tranh ban đầu là một ngôi miếu nhỏ, sát ngã ba sông. Do sông Tranh đổi dòng nên phải chuyển vào phía trong. Khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Hải Dương, nhân dân chuyển đền về dựng tại phía Bắc đền cũ. Năm 1935, đền được xây dựng lại hoành tráng trên khuôn viên rộng tới 4 mẫu Bắc bộ. Năm 1966, do nhu cầu mở rộng doanh trại quân đội nên đền Tranh được chuyển về vị trí hiện nay.
Cũng theo căn cứ vào hệ thống bia kí tại đền cho biết, năm Tự Đức thứ 5 (1852), ngôi đền được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn, những mảng chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo, có tượng Quan Lớn Tuần Tranh.
Ngày 23/3/2009, đền Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 1214/QĐ-BVHTTDL; lễ hội truyền thống đền Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định số 781/QĐ-BVHTTDL ngày 4/4/2022 và ngày 21/12/2023 UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 3110/QĐ-UBND công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh, xã Đồng Tâm là điểm du lịch cấp tỉnh.
![]() |
Đông đảo người dân và du khách đến với lễ hội đền Tranh. Ảnh tư liệu/Phùng Nguyện. |
Hiện đền Tranh còn bảo lưu được nhiều trầm tích văn hóa với rất nhiều các sự lệ trong năm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các sự lệ và lễ hội trong năm tại đền Tranh thể hiện ước vọng và năng lực sáng tạo văn hóa của cộng đồng cư dân tại địa phương.
Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tại đền Tranh và di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Tranh đã làm sống lại những giá trị văn hóa nghệ thuật của một vùng quê văn hiến có bề dày lịch sử lâu đời, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…