Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng trên khắp châu Á

Y Tế CHÂU Á
16:37 - 15/11/2023
Sốt xuất huyết lây lan chủ yếu qua muỗi Aedes aegypti. Ảnh: AP
Sốt xuất huyết lây lan chủ yếu qua muỗi Aedes aegypti. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Do tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết mưa thất thường, số ca nhiễm sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh trên khắp các khu vực tại châu Á bao gồm Đông Á, Đông Nam Á tới Nam Á.

Là một căn bệnh có thể gây tử vong với các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt đột ngột và nhức đầu, sốt xuất huyết từng được cho là chỉ lưu hành chủ yếu tại các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều khu vực trên khắp châu Á, trong đó bao gồm Nhật Bản, cũng bắt đầu xuất hiện các ca nhiễm.

Theo Nikkei Asia trích dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca nhiễm căn bệnh này trên toàn thế giới được ghi nhận ở ngưỡng 4,2 triệu trong năm 2022, gấp 8 lần so với năm 2000.

Trong năm 2023, số ca nhiễm sốt xuất huyết được báo cáo tăng khoảng 200% ở Thái Lan và Campuchia, với khu vực đảo Đài Loan cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng.

Cụ thể, tại khu vực Đông Nam Á, số liệu từ tháng 1 đến đầu tháng 11/2023 cho thấy Thái Lan ghi nhận 127.000 ca nhiễm, gấp 3,4 lần con số của năm trước. Số ca nhiễm ở Malaysia trong năm nay cũng tăng gấp đôi lên khoảng 100.000 ca.

Bộ Y tế Việt Nam hồi tháng 10 cũng đã ra khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi. Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra cảnh báo về việc loại bỏ các vũng nước tồn đọng nhằm ngăn chặn muỗi sinh sản, đặc biệt là khi Lễ hội Loy Krathong của Thái Lan sắp diễn ra vào cuối tháng 11.

Ở các khu vực khác trên khắp châu Á, sốt xuất huyết cũng đang gây ra các đợt bùng dịch. Tại đảo Đài Loan, Cơ quan Y tế ghi nhận 21.900 ca nhiễm sốt xuất huyết trong năm 2023 tính tới 6/11, tăng vọt so với con số 20 ca trong năm 2022. Con số này đánh dấu đợt bùng dịch lớn thứ 2 trong 10 năm qua, với đợt bùng dịch lớn nhất diễn ra vào năm 2015 khi hơn 40.000 ca nhiễm được ghi nhận.

Tuy đỉnh dịch đã qua, Trưởng cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan Hsueh Jui-yuan ngày 6/11 cho biết “số ca lây nhiễm không giảm nhanh như mong đợi”.

Tại Bangladesh, UNICEF cho biết nước này ghi nhận tổng cộng 206.288 ca nhiễm trong 9 tháng đầu năm 2023, với con số tử vong kỷ lục 1.006 người và cao gấp 4 lần so với con số của năm 2022. Trẻ em từ 15 tuổi trở xuống chiếm 18% tổng số ca nhiễm và 11% số ca tử vong.

Thông thường, các ca nhiễm sốt xuất huyết tại Bangladesh gia tăng trong mùa mưa từ tháng 7 tới tháng 9. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát nhanh chóng trong năm 2023 từ cuối tháng 4 do thời tiết ấm áp bất thường và lượng mưa lớn tạo môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản.

Tính tới hiện tại, một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia hay các quốc gia Liên minh châu Âu đã phê duyệt vaccine sốt xuất huyết do Công ty Dược phẩm Takeda của Nhật Bản phát triển. Tuy nhiên, phần lớn thế giới vẫn chưa có khả năng tiếp cận loại vaccine này và phòng muỗi đốt vẫn đang là phương pháp phòng bệnh chính được khuyến cáo.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.