Dự án này dự kiến được đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư). Loại hợp đồng thực hiện là BOT (đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). TNH hiện có 3 cơ sở khám chữa bệnh đã đi vào hoạt động gồm: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa Yên Bình Thái Nguyên và Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang).
Bên cạnh đó, công ty này đang triển khai đầu tư dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô dự kiến 10 tầng, gồm 300 giường bệnh, được thiết kế theo mô hình bệnh viện đa khoa.
Ngoài ra, trong năm 2023, TNH đã góp vốn thành lập pháp nhân liên kết là CTCP Bệnh viện TNH Hà Nội để thực hiện đầu tư dự án tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) Hà Nội, quy mô khoảng 500 giường bệnh.
Ở một diễn biến khác, vào ngày 28/6, TNH sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (ĐHĐCĐ 2024). Theo tài liệu cập nhật vừa công bố, ban lãnh đạo TNH sẽ trình cổ đông thông qua phương án đổi tên từ CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thành CTCP Tập đoàn Bệnh viện TNH.
Ở đại hội lần này, TNH cũng sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Xuân Đôn, đồng thời tăng số lượng thành viên HĐQT từ 7 lên 8 thành viên.
Hai ứng viên được đề cử vào HĐQT TNH là bà Nguyễn Thị Thùy Giang và ông Ngô Minh Trường. Trong đó, bà Giang là cựu Phó Giám đốc – Phân tích cổ phiếu của SSI, được đề cử bởi KWE Beteiligungen AG – quỹ ngoại nắm 10,51% vốn TNH.
Ngoài ra, HĐQT TNH sẽ trình cổ đông phương án thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài của công ty từ 49% lên 70%.
Theo ban lãnh đạo TNH, việc tăng "room" ngoại sẽ mang lại cơ hội tốt để cổ phiếu TNH tăng tính thanh khoản trong giao dịch, tăng cường khả năng huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của công ty.
Năm nay, ban lãnh đạo TNH lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 540 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 155 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,8% và 3,3% so với thực hiện năm 2023. Công ty dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 15%.