Theo Reuters, các lực lượng cứu hộ khẩn cấp của Hy Lạp vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân trong các toa tàu cháy đen, dù hy vọng rất mong manh.
Chia sẻ tại hiện trường, ông Konstantinos Imanimidis, một nhân viên cứu hộ, cho biết: “Đây là thời điểm khó khăn nhất. Thay vì cứu các nạn nhân, chúng tôi đang phải thu hồi các thi thể. Nhiệt độ trong các toa tàu lên tới 1.200 độ C, khiến không ai có thể sống sót được”.
Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân tại hiện trường vụ tai nạn, Hy Lạp, ngày 2/3. Ảnh: Reuters |
Vụ va chạm trực diện giữa đoàn tàu chở khách và một tàu chở hàng ngày 28/2 là thảm họa đường sắt thảm khốc nhất tại Hy Lạp khi số người thiệt mạng được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên. Các nhà chức trách thông báo có 56 người khác trong danh sách hành khách vẫn đang mất tích, 57 người phải nhập viện, bao gồm 6 người phải chăm sóc đặc biệt.
Số người thiệt mạng trong vụ tai nạn đường sắt có thể gia tăng khi vẫn còn người mất tích. Ảnh: Reuters |
Việc xác định danh tính các nạn nhân trở nên khó khăn. Ảnh: Reuters |
Truyền thông Hy Lạp cho biết, quá trình xác định danh tính các nạn nhân đã trở nên phức tạp hơn, khi lực lượng cứu hộ chỉ thu lượm được các bộ phận cơ thể, nhiều thi thể đã bị thiêu rụi. Các bác sĩ pháp y đang nỗ lực xét nghiệm ADN để xác định danh tính và bàn giao cho gia đình. Bộ Y tế Hy Lạp cho biết họ phải ngăn các gia đình có nạn nhân nhìn thấy các thi thể vì lý do tâm lý.
Người biểu tình xuống đường tại thành phố Thessaloniki, miền bắc Hy Lạp, ngày 2/3. Ảnh: AP |
Vụ việc trên đã châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ và biểu tình tại Hy Lạp. Tại thủ đô Athens ngày 2/3, khoảng 2.000 người tham gia biểu tình, bày tỏ sự tức giận đối với chính quyền và các công ty đường sắt.
Một số người đã cầm biểu ngữ có nội dung "Mạng sống của chúng ta quan trọng". Thậm chí, một số người quá khích trong cuộc biểu tình hôm 1/3 đã ném đá vào văn phòng công ty xe lửa.
Người biểu tình cầm pháo sáng ở thành phố Thessaloniki, miền bắc Hy Lạp, ngày 2/3. Ảnh: AP |
Tại thành phố Thessaloniki và Patras, hàng nghìn người đã tập trung biểu tình, ném đá và chai lọ, mặc dù cảnh sát sau đó cho biết tình hình đã ổn định vào cuối ngày. Trong khi đó, công nhân ngành đường sắt đã tổ chức đình công một ngày vào hôm 2/3, đổ lỗi thảm kịch xảy ra là do sự lơ là của chính phủ.
Sau thảm kịch, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hy Lạp Kostas Karamanlis tuyên bố từ chức. Còn người quản lý nhà ga Larissa ngày 2/3 đã bị buộc tội ngộ sát và gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất do sự sơ suất.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tối cùng ngày cam kết sẽ giải quyết tận gốc thảm họa. “Chúng tôi sẽ làm việc để những từ ‘không bao giờ’ sẽ không chỉ là một lời cam kết trống rỗng”, ông nói.
Cần cẩu dọn dẹp các toa tàu hư hại trong vụ tai nạn. Ảnh: AP |
Trong khi đó, ông Giannis Oikonomou, người phát ngôn chính phủ Hy Lạp, bày tỏ chia sẻ của chính phủ với nỗi buồn của người dân và cam kết sẽ thực hiện các cuộc điều tra kỹ lưỡng, cũng như khắc phục những tai ương do mạng lưới đường sắt.
"Tất cả chúng tôi đều đau buồn trước vụ tai nạn bi thảm này. Sự mất mát, tổn thương về thể chất lẫn tinh thần của những người còn sống và nỗi lo lắng của đất nước vào lúc này là rất lớn và rất khó để kiềm chế", quan chức này nói.
Ông Oikonomou cho biết các nhà chức trách sẽ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn để xác định làm thế nào mà hai đoàn tàu đi ngược chiều trên cùng một đường ray trong hơn 10 phút mà không nhận được báo động, cũng như "sự chậm trễ kinh niên" trong việc thực hiện các dự án đường sắt trên toàn quốc.