Sơn Đại Việt đang chuẩn bị cho 2 thương vụ đầu tư lớn. |
HĐQT CTCP Tập đoàn Sơn Đại Việt (DVG) vừa thông qua nghị quyết chào bán 28 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền 1:1. Nghĩa là tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền, cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ có quyền mua một cổ phiếu phát hành mới.
Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nếu hoàn thành 100%, DVG sẽ thu về khoảng 280 tỷ đồng. Số tiền này được Sơn Đại Việt dự tính dùng để mua 93,33% vốn Công ty Cổ phần Newton Quốc tế. Đây cũng là một công ty chuyên sản xuất sơn véc ni và các chất sơn, quét tương tự; sản xuất mực in và ma tít. Theo báo cáo tài chính, lãi ròng năm 2020 của Newton Quốc tế ở mức 401 triệu đồng và dự kiến năm 2022 sẽ là 7,5 tỷ đồng.
Sơn Đại Việt vốn là Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Đại Việt, thành lập từ năm 2006. Năm 2020, công ty mới chỉ có quy mô vốn điều lệ 40 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất sơn các loại và bột bả, kinh doanh hoá chất ngành sơn.
Sang 2021, Sơn Đại Việt đột ngột tăng vốn gấp 7 lần đồng thời đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch trên HNX từ 14/1/2021. Ngay ngày đầu tiên lên sàn với giá tham chiếu 12.200 đồng/cp, DVG đã có 5 phiên tăng trần liên tiếp, lên 22.900 đồng/cp. Tuy nhiên khối lượng khớp lệnh các phiên này không cao, có nhiều phiên chỉ 100 cổ phiếu khớp lệnh.
Những phiên sau đó, khi thanh khoản tăng với hàng nghìn đến chục nghìn cổ phiếu khớp lệnh thì DVG giảm đỏ, về thấp nhất đến 14.500 đồng/cổ phiếu; thậm chí có giai đoạn xuống dưới mệnh giá trong tháng 8. Hiện DVG đã tăng trở lại lên 23.700 đồng/cp.
Trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Sơn Đại Việt khá tốt. Như năm 2019, doanh thu thuần tăng gần 79,6 tỷ đồng (tăng 178,9%), lợi nhuận sau thuế tăng hơn 2,59 tỷ đồng (tăng 22,4%) so với năm 2018. Còn năm 2021, doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 205 tỷ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế tăng gần 76% lên 6,6 tỷ đồng.
Ngoài thương vụ M&A Newton Quốc tế, đầu tháng 12/2021, Sơn Đại Việt cũng đã thông qua chủ trương hợp tác với CTCP Đầu tư TCTC để đầu tư dự án trồng 10.000 ha cây Hông tại Quảng Bình và 7 tỉnh phía Bắc. Được biết, gỗ Hông dùng cho xây dựng nhà, làm nội thất máy bay, in đồng đô la…
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 2.200 tỷ đồng với thời gian thực hiện dự kiến 50 năm cùng vòng quay dự án 8/vòng = 6 năm/chu kỳ. Sơn Đại Việt dự kiến sở hữu 51% đất và tài sản trên đất còn TCTC nắm 49%. Trong đó, vai trò của Sơn Đại Việt là đầu tư vốn, phân bón phục vụ cây trồng, nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu.