Ngày 2/2, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) tổ chức lễ ra mắt 2 nhóm sản phẩm mới là. NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa công ty với các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng (thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cùng Công ty Biowish Việt Nam (thuộc tập đoàn Biowish của Mỹ).
Các sản phẩm mới của Supe Lâm Thao đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) kiểm tra, thẩm định, đánh giá và cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam kể từ ngày 3/1/2023.
Đánh giá của Trung tâm nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng, thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho thấy, 2 nhóm sản phẩm mới của Supe Lâm Thao sẽ tạo nên giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, giúp giảm lượng phân bón sử dụng, tăng năng suất và chất lượng nông sản từ 10 - 20%.
Trước đó, năm 2021 và năm 2022, Supe Lâm Thao đã cho ra mắt các sản phẩm mới: NPK-S hàm lượng cao thế hệ mới, Hữu cơ khoáng và Supe lân vi sinh Lâm Thao.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhóm sản phẩm mới NPK-S, vi sinh Lâm Thao, hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao cùng các sản phẩm mới trước đó đã tạo ra bộ sản phẩm phân bón hoàn chỉnh của Supe Lâm Thao có bổ sung nhiều vi chất hữu ích.
"Các sản phẩm mới đã phát huy vai trò của công ty trên bước đường hội nhập và phù hợp với nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, hướng tới xuất khẩu”.
"Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì, giữ vững chất lượng sản phẩm phân bón truyền thống, Supe Lâm Thao sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm mới và tổ chức nhiều hội nghị chuyển giao kỹ thuật và các mô hình trình diễn sử dụng phân bón Lâm Thao để giúp nông dân nắm vững phương pháp sử dụng, nâng cao năng suất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống", ông Tùng cho biết.
Phù hợp với xu hướng tái cơ cấu nông nghiệp
Đánh giá về các phẩm hữu cơ mới mà Supe Lâm Thao liên tiếp ra mắt trong 3 năm gần đây, TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhìn nhận, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được kỷ lục hơn 53,2 tỷ USD. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của ngành phân bón. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên xuất khẩu phân bón Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD.
Hiện nông nghiệp Việt Nam đang thiếu nhất là phân bón hữu cơ. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong năm qua, Việt Nam mới chỉ sản xuất được 2,4 triệu tấn phân bón hữu cơ trong khi đó mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là 100 triệu tấn.
“Do đó, việc công ty Supe Lâm Thao liên tiếp ra mắt sản phẩm mới, 3 năm ra 3 loại sản phẩm khác nhau là phù hợp với xu hướng chuyển đổi của nền nông nghiệp”, ông Phùng Hà đánh giá.
Cùng chung đánh giá với ông Hà, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, 60% sản phẩm của Vinachem là dành cho phân bón theo chủ trương ưu tiên sản xuất nông nghiệp.
Trước đây, phần lớn phân bón của Vinachem là phân bón vô cơ. Hiện nay, xu hướng của ngành nông nghiệp phát triển bền vững, nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường.
Do đó, các thành viên tập đoàn đã có sự thay đổi trong tư duy, ý tưởng về sản phẩm phát triển theo chủ trương chung tránh lạm dụng phân bón vô cơ. Đây là sự nỗ lực của các công ty thành viên với sự hỗ trợ của các nhà khoa học và sự thích nghi của thị trường.