Tái khởi động các nhóm công tác nông nghiệp Việt Nam – Campuchia

Hợp Tác Campuchia
08:31 - 26/04/2023
Việt Nam - Campuchia đẩy mạnh hợp tác sử dụng chung nguồn nước sông Mekong. Ảnh: TC Tuyên giáo.
Việt Nam - Campuchia đẩy mạnh hợp tác sử dụng chung nguồn nước sông Mekong. Ảnh: TC Tuyên giáo.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Bộ NN&PTNT Việt Nam và đại diện Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia đã thống nhất tái khởi động các nhóm công tác trên các lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi – nguồn nước sông Mekong và đầu tư.

Chiều 25/4, trong khuôn khổ Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp đã có cuộc trao đổi song phương với ông San Vanty, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia.

Tại cuộc trao đổi, Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp bày tỏ vui mừng khi kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa hai nước tăng trưởng một cách ấn tượng từ 586 triệu USD (năm 2016) đã tăng lên 4,06 tỷ USD (năm 2021).

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp hai nước đã có sự hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để nâng mối quan hệ hợp tác này lên một tầm cao mới và đưa những cam kết của hai nước trở thành hiện thực thì lãnh đạo hai Bộ nên duy trì các cuộc gặp song phương trực tiếp.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất, tái thành lập các tổ công tác thực hiện những vấn đề cụ thể. Trên lĩnh vực thủy sản, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Dự án xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tại vùng Biển Hồ của Campuchia. Do đó, hai nước cần phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy triển khai dự án này.

Bên cạnh đó, hai bên phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện và ký kết thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các hoạt động nghề cá trên biển và chống khai thác IUU trong năm 2023.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đề nghị phía Campuchia đẩy nhanh quá trình xây dựng quy chế phối hợp giữa các khu vực của các nước có chung đường biên giới. Tăng cường các hoạt động bảo vệ rừng, hạn chế khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ và động vật hoang dã trái phép qua biên giới.

Hai bên tăng cường phối hợp thực thi Hiệp định chống khói mù xuyên biên giới ASEAN; tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực hiện các sáng kiến quốc tế về FLEGT, REDD+; phối hợp kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất/nhập khẩu gỗ giữa hai nước.

Về vấn đề thủy lợi và sử dụng chung nguồn nước sông Mê Kông, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Campuchia xây dựng những đầu mối để hai nước có thể thường xuyên trao đổi thông tin, sớm đưa ra giải pháp khi có sự cố để giải quyết nhanh nhất, tránh đẩy lên thành vấn đề nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch thủy lợi, quản lý sử dụng hiệu quả nguồn nước, đặc biệt ở lưu vực sông Mê Kông trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp và ông San Vanty, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia. Ảnh: NNVN.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp và ông San Vanty, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia. Ảnh: NNVN.

Về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện tại nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Campuchia, do đó, Việt Nam đề nghị Bộ nông nghiệp Campuchia tham mưu cho Chính phủ tạo cơ chế thuận lợi về đất đai để các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng hoạt động của mình.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT Việt Nam cũng cho rằng, hai bên cần xem xét sớm ký kết thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam và Campuchia trong lĩnh vực kiểm dịch và bảo vệ thực vật để kiểm soát được tình hình dịch bệnh gây hại tại khu vực biên giới của hai nước.

Trước những đề xuất của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, ông San Vanty, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia nhất trí và cam kết sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT Việt Nam để triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông San Vanty cho rằng, trên cơ sở quan hệ song phương, hai Bộ đã thiết lập được các tổ công tác về chăn nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, do những nguyên nhân khách quan nên các tổ công tác này hoạt động chưa hiệu quả. Do đó, trong thời gian tới cần tái khởi động lại những tổ công tác này để hoạt động phối hợp được triển khai thuận lợi.

Ông San Vanty cũng đề nghị trong vấn đề an toàn thực phẩm cả phía Việt Nam và Campuchia cần nâng trách nhiệm của mình lên mức độ cao hơn nữa. Đồng thời, với thỏa thuận kiểm dịch xuyên biên giới thì phía Việt Nam sẽ là đơn vị xây dựng dự thảo, sau đó hai nước sẽ thảo luận để hoàn chỉnh và đưa vào thực hiện.

Ngoài ra, ông San Vanty cũng mong muốn các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực chế biến tại Campuchia, điều này sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và kích thích được sản xuất nông nghiệp của cả hai nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp