Tam Giang chi 312 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

BRG SEABANK
11:41 - 27/05/2023
Phối cảnh dự án khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp tại xã Vinh Thanh, Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: IPA Thừa Thiên Huế.
Phối cảnh dự án khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp tại xã Vinh Thanh, Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: IPA Thừa Thiên Huế.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang vừa có văn bản công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Cụ thể, vào ngày 26/5, Tam Giang đã tiến hành mua lại toàn bộ 312 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã TGCCH2131001. Trước đó, từ ngày 14/3 – 6/4, Tam Giang cũng có 4 lần mua lại trước hạn đối với lô trái phiếu này với tổng giá trị theo mệnh giá là 559,5 tỷ đồng.

TGCCH2131001 được phát hành ngày 19/4/2021 với tổng giá trị 2.736 tỷ đồng, là trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản sản đảm bảo và không kèm chứng quyền. Trái phiếu có kỳ hạn 10 năm, lãi suất năm đầu cố định 10%/năm, lãi suất các kỳ sau thả nổi, bằng mức tham chiếu cộng biên độ 3,0%/năm.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là dự án khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp tại xã Vinh Thanh, Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2019 với quy mô 110ha, vốn đầu tư 4.168 tỷ đồng, được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) vào tháng 10/2019.

Tam Giang cho biết, toàn bộ số tiền huy động từ kênh trái phiếu dự kiến sẽ được dùng để đầu tư dự án địa ốc nêu trên. Khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được giải ngân từng phần vào dự án và trong thời gian nguồn vốn nhàn rỗi chưa được giải ngân, công ty sẽ sử dụng cho các hoạt động đầu tư, hoạt động khác để gia tăng lợi nhuận.

Lô trái phiếu được mua trọn bởi 1 công ty chứng khoán (18,04%) và 2 tổ chức khác (81,96%) dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Asean. Thông tin về đại lý quản lý tài sản đảm bảo không được công bố, theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, từ tháng 7/2021 – 11/2022, Tam Giang đã có nhiều lần mang dự án này thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank).

CTCP Vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang được thành lập năm 2017 với người đại diện theo pháp luật là ông Đinh Mạnh Thắng. Doanh nhân sinh năm 1958 này hiện đang là người đại diện theo pháp luật Chi nhánh Thừa Thiên Huế của Tập đoàn BRG.

Tại thời điểm mới thành lập, công ty có vốn điều lệ 639 tỷ đồng, chia cho 3 pháp nhân là CTCP Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội (HSI), CTCP Đầu tư du lịch Huế, Công ty TNHH Du lịch Mondial – Huế. Tới tháng 8/2022, vốn điều lệ công ty nâng lên 1.000 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu không được công bố.

Như đã được Mekong ASEAN đề cập ở các bài viết trước, CTCP Đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội là chủ đầu tư Dự án Khu du lịch văn hóa, nghỉ ngơi cuối tuần khu vực Đền Sóc có quy mô 274,8 ha, bao gồm Khu sân golf quốc tế Sóc Sơn, khu khách sạn, biệt thự cao cấp để bán và cho thuê thuộc khu II và khu II mở rộng tại Xã Hồng Kỳ và Xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, CTCP Đầu tư du lịch Huế được thành lập năm 2010 với tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và Du lịch Huế, trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tới ngày 1/11/2016, công ty nâng vốn điều lệ từ 43,65 tỷ đồng lên 116 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố. Đồng thời, ông Trần Anh Tuấn (SN 1968) được chọn làm Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của công ty thay thế cho ông Đinh Mạnh Thắng. Đáng chú ý, ông Trần Anh Tuấn từng có thời gian dài làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BRG.

Đầu tư du lịch Huế được biết đến là chủ đầu tư Dự án Khách sạn Bờ sông Thanh Lịch tại đường Lê Lợi, phường Phú Hội, thành phố Huế. Dự án có diện tích 15.000 m2 với quy mô 133 phòng, tổng vốn đầu tư là 7,64 triệu USD.

Về phần Công ty TNHH Du lịch Mondial – Huế, doanh nghiệp này là một thành viên của Tập đoàn BRG. Tính tới ngày 7/11/2022, cơ cấu cổ đông của Mondial – Huế gồm có Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất Thịnh Vượng (24%) và CTCP Bất động sản BRG (76%).

Về tình hình kinh doanh, trong năm 2022, Tam Giang ghi nhận lợi nhuận sau thuế 376 triệu đồng, cải thiện đôi chút so với khoản lãi 300 triệu đồng của cùng kỳ 2021. Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 1.001 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả là 1.291 tỷ đồng, lần lượt tăng 56,5% và giảm 53% so với thời điểm đầu năm.

Đọc tiếp