Tận dụng 'lỗ hổng' mùa vụ để đẩy mạnh vải Việt sang Trung Quốc

Vải XUẤT KHẨU
21:39 - 31/05/2023
Ảnh: Phùng Nguyện
Ảnh: Phùng Nguyện
0:00 / 0:00
0:00
Mùa vải của Trung Quốc diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7. Như vậy tháng 6 sẽ là thời điểm thuận lợi nhất để Việt Nam xuất khẩu vải sang thị trường khi ít chịu sự cạnh tranh từ hàng nội địa. 

Năm 2021 xuất khẩu vải của Việt Nam đạt 47,4 triệu USD, năm 2022 giảm xuống còn 27,4 triệu USD, nguyên nhân chủ yếu do thị trường chính của Việt Nam là Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid.

Bước sang năm 2023, xuất khẩu trái vải được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại và Bộ Công Thương cùng các địa phương, doanh nghiệp tích cực xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác.

Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam nước ngoài tháng 5/2023 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, với việc thị trường chính là Trung Quốc mở cửa sẽ là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện nay, mặc dù là nước trồng vải lớn nhất thế giới nhưng vụ vải của Trung Quốc lại diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7. Điều này có nghĩa trong tháng 6 (thời điểm cuối vụ) sản lượng vải của Trung Quốc rất ít. Đây được đánh giá là thời điểm thuận lợi để vải Việt tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Tất nhiên, để có thể đưa vải sang Trung Quốc, chất lượng quả của Việt Nam cũng phải được đảm bảo, được trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Bên cạnh đó, trong mùa vụ, ông Nguyên cho rằng cần tạo điều kiện để thương nhân Trung Quốc qua nước ta mua bán, tạo điều kiện visa dễ dàng, phương tiện đi lại để họ thuận tiện giao thương.

Ảnh tác giả

“Quan trọng nhất, cần ưu tiên các khu vực vườn sản xuất ra trái to, hạt nhỏ để xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nội địa, hàng Thái Lan và các nước khác trên địa bàn nước xuất khẩu”

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên

Đối với các địa phương sản xuất lớn như Bắc Giang, Hải Dương… cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng quả để có thể tiến ra thị trường thế giới nhiều hơn, tăng khả năng cạnh tranh trước các đối thủ.

Các địa phương nỗ lực chuẩn bị trước khi vào vụ chính

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, trong những ngày gần đây, giá vải thiều tiêu thụ của tỉnh dao động từ 22.000 – 39.000 đồng/kg. Dự kiến giá vải sẽ tiếp tục tăng khi vào vụ chính.

Để chuẩn bị tốt cho vụ mùa chính, tỉnh Bắc Giang cho biết đã đảm bảo nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông…

“Tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thương nhân đến tỉnh thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn”, ông Tấn chia sẻ.

Mặt khác, ngày 26/4 vừa qua, tỉnh đã cùng Cục Xúc tiến thương mại, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ tổ chức đoàn xúc tiến sang Mỹ, kết quả mang lại các bản ghi nhớ mua vải thiều năm 2023 với nước bạn, từ đó mở ra thêm cơ hội xuất khẩu vải trong mùa vụ năm nay.

Đối với tỉnh Hải Dương, Giám đốc Sở Công Thương Trần Văn Hảo cho biết, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng các biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác phân bón, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nâng cao chất lượng vải Hải Dương.

Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 203 mã vùng trồng xuất khẩu, trong đó vùng trồng xuất sang Mỹ là 42, Australia 46, Nhật Bản 39, Thái Lan 8, Trung Quốc 68. Tỉnh cũng đang có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, trong đó Trung Quốc với 13 mã, còn lại là thị trường Mỹ, Australia và Thái Lan.

Hải Dương sẽ bước vào vụ vải chính từ 10/6 đến hết tháng 6 năm nay. Ảnh: Phùng Nguyện

Hải Dương sẽ bước vào vụ vải chính từ 10/6 đến hết tháng 6 năm nay. Ảnh: Phùng Nguyện

Vụ vải 2023 vẫn còn nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương nói gì?

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, vụ mùa năm nay dự báo vẫn sẽ có nhiều khó khăn. Theo đó, ông Hảo nhận định, tính thời vụ của vải chỉ tập trung trong vòng nửa tháng nên chí phí logistics vẫn sẽ ở mức cao.

Lệnh 248, 249 của Trung Quốc vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp các khó khăn nhất định. Trái vải của Hải Dương đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường Nhật Bản, EU nhưng năng lực đàm phán của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Đồng quan điểm, tỉnh Bắc Giang cho rằng chi phí vận chuyển bằng đường hàng không còn cao. Trong khi đó, tỉnh hiện vẫn chưa triển khai được công nghệ bảo quản vải thiều bằng đường biển, nếu vận chuyển vải sang Mỹ bằng đường biển thời gian sẽ lên tới gần 30 ngày...

Trước những khó khăn trên, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiến nghị lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng để tạo điều kiện tốt nhất tiêu thụ vải thiều. Các thương vụ và chi nhánh thương vụ tiếp tục quan tâm, có định hướng để giúp tỉnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong nước tiếp tục hỗ trợ thực hiện liên kết vùng, kết nối giao thông,giới thiệu các tập đoàn bán lẻ, chuỗi siêu thụ đến tỉnh Bắc Giang...

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các bộ ngành cần phải đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa kênh phân phối. Đặc biệt chú ý thương mại điện tử xuyên biến giới bởi “đây vẫn là giải pháp hữu hiệu ở thời điểm hiện nay, trong ngắn và dài hạn”, theo Thứ trưởng.

Đồng thời tiếp cận sâu vào thị trường Trung Quốc, không chỉ các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam mà còn các địa phương khác.

Đối với các thị trường tiềm năng khác như Mỹ, Nhật Bản, EU thì cần tiếp cận bài bản bởi nhu cầu thị trường thì cao mà sản phẩm của Việt Nam vẫn mang tính chất đơn sơ.

Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ hoạt động xuất khẩu phải đi vào thực chất. Cụ thể, thông tin thị trường, chính sách thương mại phải được cung cấp kịp thời, cần có các thông tin có tính dự báo liên quan đến năng lực cạnh tranh…

Đối với vấn đề chi phí vận chuyển, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng đề nghị địa phương cũng như hãng hàng không Việt Nam tiếp tục triển khai và có chính sách ưu đãi để có đường bay thẳng đến nước bạn, giúp doanh nghiệp giảm cước phí...

Đọc tiếp