Tân Thủ tướng Thái Lan cam kết giải quyết các vấn đề kinh tế

KINH TẾ THÁI LAN
15:40 - 11/09/2023
Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu trước Quốc hội ngày 11/9. Ảnh: AP
Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin phát biểu trước Quốc hội ngày 11/9. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội ngày 11/9, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tuyên bố sẽ nhanh chóng thực hiện các hành động quyết liệt để giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước.

Chính phủ của ông Srettha đang phải đối mặt với các kỳ vọng cao cũng như những yêu cầu cấp bách trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội cũng như môi trường trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của mình.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu, nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng trì trệ, đặc biệt là ngành du lịch vốn tạo ra nhiều lợi nhuận của quốc gia này. Theo hãng tin AP dẫn lời ông Srettha, nợ công của quốc gia đã tăng lên hơn 60% GDP vào năm 2023 trong khi nợ hộ gia đình tăng vọt lên hơn 90% GDP trong năm nay.

Miêu tả tình trạng nền kinh tế hậu đại dịch của Thái Lan giống như “một người bệnh” với sự phục hồi chậm chạp, ông cho biết quốc gia hoàn toàn “có nguy cơ bước vào suy thoái”. Do đó, ông tuyên bố sẽ nhanh chóng thực hiện các biện pháp để giảm bớt vấn đề nợ, giảm thiểu chi phí năng lượng gia tăng và thúc đẩy du lịch.

Thêm vào đó, ông cũng cho biết chính phủ Thái Lan sẽ hành động ngay lập tức để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình. Một trong những cam kết chính là cấp 280 USD cho tất cả người Thái từ 16 tuổi trở lên nhằm kích thích nền kinh tế bằng cách thúc đẩy chi tiêu ngắn hạn. Ông không đưa ra thêm bất kỳ thông tin chi nào nào, tuy nhiên trước đó, ông từng cho biết gói kích thích kinh tế này sẽ có giá lên tới 15,8 tỷ USD (560 tỷ baht) và sẽ bắt đầu được cung cấp từ quý 1 năm sau.

Các mục tiêu dài hạn khác được tân Thủ tướng Thái Lan nhắm đến bao gồm thúc đẩy thương mại quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng giao thông, cải thiện sản xuất nông nghiệp, trao quyền cho chính quyền địa phương và tăng khả năng tiếp cận quyền sở hữu đất đai. Chính phủ cũng sẽ tìm cách sửa đổi hiến pháp hiện hành do quân đội ban hành thông qua một quy trình cho phép công chúng tham gia.

Trước đó, Quốc hội đã không tán thành một liên minh được thành lập bởi đảng Move Forward, đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5. Nguyên nhân là do các thành viên trong Thượng viện vốn theo chủ nghĩa bảo hoàng không đồng thuận với những chính sách cải cách nhỏ đối với chế độ quân chủ hiện tại.

Đảng Pheu Thai đứng thứ 2 trong cuộc bầu cử sau đó đã thành lập một liên minh mới không có đảng Move Forward và cuối cùng đã thành công đạt được sự ủng hộ của Thượng viện Thái Lan. Trong các bài phát biểu trước đây của mình, ông Srettha đã từng đề cập tới vấn đề cải cách khi hứa hẹn sự hợp tác cùng phát triển với quân đội trong việc chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc, giảm số lượng tướng và đảm bảo tính minh bạch trong thủ tục mua sắm của Bộ Quốc phòng.

Đọc tiếp