Hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, ngày 20/6. |
Thông tin của Cục Lâm nghiệp cho biết, cơ cấu thu tiền dịch vụ môi trường rừng toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022 của Việt Nam đạt 16.698 tỷ đồng. Trong đó, thu từ cơ sở sản xuất thủy điện là 15.882 tỷ đồng, thu từ cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là 514 tỷ đồng, thu từ các đối tượng khác là 302 tỷ đồng
Tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2017 - 2022 chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 32,8% tổng thu của toàn quốc.
Tại hội thảo “Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, ngày 20/6, ông Nguyễn Mạnh Hiệp, chuyên viên chính của Cục Lâm nghiệp cho biết, cơ chế tài chính mới này đã giúp huy động nguồn lực đáng kể cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
“Tuy nhiên, mức giá trị dịch vụ môi trường rừng còn thấp so với giá trị thực mà rừng cung cấp. Hiện nay mức giá dịch vụ môi trường rừng mới được trả 36 đồng/kWh đối với cơ sở sản xuất thủy điện, 52 đồng/m3 đối với cơ sở sản xuất nước sạch vẫn còn thấp so với giá trị tạo ra”, ông Hiệp nói.
Lấy ví dụ về khu vực Tây Nguyên, ông Hiệp cho biết, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng ở khu vực này đạt 5.473 tỷ đồng. Tuy nhiên, bình quân mức chi trả dịch vụ môi trường rừng khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 570.000 đồng/ha/năm.
Trong khi đó, cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đang nhiều cơ hội và tiềm năng. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã ký ý định thư năm 2021 với Tổ chức Tăng cường tài chính Lâm nghiệp (LEAF) thực hiện ở vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (2022 - 2025).
Theo đó, Việt Nam dự kiến chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2e với đơn giá 10 USD/tấn CO2e tương đương 51,5 triệu USD.
Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng Dự án Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia giảm phát thải khí nhà kính, thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) do Quỹ Khí hậu xanh GCF hỗ trợ. Kết quả đầu ra dự kiến của dự án là giảm thiểu khí thải 6,68 triệu tấn CO2e với dự kiến tổng vốn tài trợ 35 triệu USD.
Trước các cơ hội đó, đại diện Cục Lâm nghiệp cho rằng, các chính sách dịch vụ môi trường rừng cần được xây dựng và tổ chức thực hiện từ yêu cầu thực tiễn của sản xuất và đời sống
“Nhà nước đã tạo lập được khung thể chế pháp lý mới về thu hút nguồn lực xã hội nhằm giảm tải được việc phụ thuộc ngân sách Nhà nước nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp. Điều này tạo sự quan tâm đồng thuận, ủng hộ, nâng cao nhận thức của toàn xã hội”, ông Nguyễn Mạnh Hiệp nói.
Huy động nguồn lực tư nhân vào bảo tồn đa dạng sinh học. |
Cần có một cơ chế huy động nguồn lực linh hoạt hơn
PGS. TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên”.
Theo ông Thao, chủ đề năm nay nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên. “Chủ đề này đặt ra yêu cầu các nước cần có cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả để chung tay góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu”, ông Phạm Quang Thao kỳ vọng.
Chia sẻ rõ hơn về mục tiêu này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) nhìn nhận, Việt Nam đang thiếu các cơ chế thu hút, huy động nguồn tài chính để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, do đó chưa thu hút và khuyến khích được các nguồn hỗ trợ cho bảo tồn để bù đắp phần thiếu hụt từ ngân sách.
“Đầu tư cho đa dạng sinh học cần mang tính lâu dài và cần chiến lược dài hơi có tính linh hoạt cao tạo cơ hội cho tất cả các bên tham gia đóng góp, đầu tư. Bên cạnh sự đầu tư dài hạn và chủ đạo của ngân sách tập trung yếu cho đầu tư công, duy trì quỹ lương, các hoạt động cơ bản của hệ thống hành chính/quản lý”, ông Hà nhấn mạnh.
Do đó, để hỗ trợ và giảm gánh nặng đầu tư công, Việt Nam cũng cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ cho bảo tồn đa dạng sinh học thì bắt buộc phải có một cơ chế tài chính mới, chính sách mới linh hoạt, sáng tạo hơn để thu hút được các nguồn lực bổ sung thiếu hụt, một cách lâu dài và bền vững.
“Chiến lược và bền vững nhất là tạo ra một cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các mô hình hợp tác công - tư trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học”, ông Hà khuyến nghị.