Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga ghi nhận xuất khẩu tăng 15%

hạt nhân NGA
16:04 - 27/12/2022
Do tầm quan trọng của mình, ngành năng lượng hạt nhân Nga và đặc biệt là Rosatom đã tránh được nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: Reuters
Do tầm quan trọng của mình, ngành năng lượng hạt nhân Nga và đặc biệt là Rosatom đã tránh được nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Alexei Likhachev, giám đốc điều hành công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom, xuất khẩu năm 2022 của công ty được dự đoán đạt 10 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng 15% so với năm 2021

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Izvestia của Nga, ông Likhachev cho biết xuất khẩu của Rosatom trong năm 2022 dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD, tương đương với mức tăng khoảng 15% so với năm 2021. Sự tăng trưởng tích cực này tới từ các hợp đồng đã được ký kết cũng như từ nguồn cung cấp nhiên liệu, các sản phẩm uranium đã được làm giàu và đặc biệt là các dịch vụ chuyển đổi.

Đáng chú ý nhất trong năm 2022 là việc Rosatom đã hợp tác xây dựng thêm 23 tổ máy điện hạt nhân tại các dự án nằm ở hàng chục quốc gia khác nhau. Tuy nhiên khi đánh giá về sự tăng trưởng này, ông khẳng định đây hoàn toàn không phải là giới hạn cuối cùng của Rosatom.

Reuters cho biết nguyên nhân là do kể từ khi chính phủ Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine nhằm mục tiêu phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này, nền kinh tế Nga và nhiều ngành công nghiệp đã liên tục gặp phải nhiều khó khăn. Tuy ngành nhiên liệu hạt nhân của Nga tránh được phần lớn các biện pháp cấm vận, công ty vẫn phải chịu một số ảnh hưởng nhất định.

Theo ông Likhachev, Rosatom bắt đầu phải chịu các tác động tiêu cực từ 2 đến 3 năm qua do đại dịch. Các biện pháp hạn chế di chuyển để phòng dịch đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và ngành logistics gặp khó khăn. Hiện tại, các căng thẳng địa chính trị tiếp tục tạo thêm càng nhiều các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh của công ty.

Một ví dụ có thể kể tới là các hoạt động của Rosatom tại Phần Lan. Trước đó hồi tháng 5, tập đoàn Fennovoima của Phần Lan đã chấm dứt hợp đồng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở mũi Hanhikivi ở tây bắc Phần Lan với Rosatom. Nguyên nhân được đưa ra lúc đó là sự chậm trễ trong tiến độ và các rủi ro gia tăng do chiến sự tại Ukraine.

Tiếp đó tới tháng 8, Rosatom và Fennovoima tiếp tục đệ đơn yêu cầu đối phương bồi thường thiệt hại hàng tỷ USD về quyết định hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy điện trên. Đến đầu tháng 12, Rosatom cho biết Hội đồng xem xét tranh chấp (DRB) - một hội đồng trọng tài giải quyết các tranh chấp hợp đồng quốc tế - đã phán quyết việc chấm dứt hợp đồng của Phần Lan là "bất hợp pháp".

Theo ông Likhachev, ngay cả trong bối cảnh khó khăn đó, danh mục đơn hàng nước ngoài của công ty trong 10 năm tới vẫn ổn định ở ngưỡng 200 tỷ USD. Điều này thể hiện tầm quan trọng của ngành năng lượng hạt nhân Nga với thế giới, cũng thể hiện cam kết vượt qua rào cản để cung cấp các sản phẩm của Rosatom ra nước ngoài.

Đọc tiếp