Hình ảnh mô phỏng nhà máy thủy điện Tanahu (Nepal) |
Địa điểm dự án nằm trên sông Seti thuộc quận Tanahu, cách thủ đô Kathmandu khoảng 150km về phía Tây. Đây là công trình thủy điện có đập cao nhất Nepal tính tới thời điểm hiện tại với địa hình, địa chất rất phức tạp.
Dự án hiện nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà nước và người dân Nepal. |
Đây là công trình đầu tiên có sự hợp tác giữa các đơn vị thiết kế, xây lắp thủy điện của Việt Nam và Nepal tham gia thi công.
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1 (PECC1), dòng sông SETI đã được chuyển hướng thành công vào đường hầm dẫn dòng 2 của dự án vào ngày 6/11 vừa qua.
Công trình nhà máy thủy điện bao gồm một đập trọng lực bê tông có chiều cao tối đa trên cao trình nền là 140m, một hồ chứa có tổng dung tích khoảng 295 triệu mét khối nước, một đường hầm ngầm có đường kính 7,4 m, chiều dài 1.388,75 m và một nhà máy điện ngầm với hai tua bin Francis.
Lễ dẫn dòng cho dự án thủy điện Tanahu tại vùng Byas, thuộc quận Tanahun (Nepal) |
Tại dự án xây dựng và vận hành công trình thủy điện Tanahu này, Liên danh Sông Đà - Kalika - PECC1 đảm nhận gói thầu số 1 gồm các đầu việc chính như lắp đặt công trường chung, thiết kế và xây dựng các công trình dẫn dòng; Khảo sát địa kỹ thuật bổ sung liên quan đến khoan phun chống thấm đập chính, các cửa đường hầm dẫn dòng, nền móng của đập chính và đập phụ trợ hạ lưu…
Ngoài ra, liên danh sẽ thiết kế và xây dựng đập chính, đập trọng lực bê tông, đập tràn, bể tiêu năng và đập phụ bê tông ở hạ lưu. Thiết kế và xây dựng các biện pháp ổn định/chống xói mòn mái dốc trong khu vực hồ chứa, sáu hành lang khoan phun trong đập (tổng chiều dài khoảng 1.350 m) và hầm phụ tiếp cận vào các hành lang khoan phun cũng như đến đê quai thượng lưu (tổng chiều dài khoảng 1.020 m). Phát triển, quản lý và phục hồi các khu vực bãi thải.
Dự kiến nhà máy được đưa vào sử dụng vào tháng 6/2024.
Dự án Thủy điện Tanahu có công suất 140 MW, được thiết kế để có ít nhất 6 giờ vận hành cao điểm trong những tháng khô hạn nhất trong năm. Công trình thuỷ điện này sẽ hoạt động như một nhà máy điều tần phụ tải trong thời gian còn lại của năm. Điều này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng theo mùa của Nepal và giảm nhập khẩu năng lượng.
Sản lượng điện trung bình hàng năm của nhà máy ước tính là 587,7 GWh trong giai đoạn từ năm đầu tiên đến năm thứ 10. Từ năm thứ 11 trở đi, sản lượng điện trung bình ước tính đạt 489,9 GWh.
Nhà máy thủy điện Tanahu là 1 trong 3 hợp phần chính của Dự án thủy điện Tanahu. Trong đó, hợp phần thứ nhất bao gồm 1 nhà máy thủy điện cỡ trung bình 140 MW với các công trình trữ nước quan trọng và các đường dây truyền tải liên quan để giải phóng điện năng được tạo ra.
Hợp phần thứ hai có mục đích điện khí hóa nông thôn và phát triển cộng đồng trong khu vực dự án. Và hợp phần thứ ba với kế hoạch cải cách và tái cơ cấu cơ quan điện lực quốc gia - Cơ quan Điện lực Nepal (NEA).
Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án khoảng 485 triệu USD bao gồm các khoản vay từ Quỹ Phát triển châu Á - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Quỹ Abu Dhabi, Quỹ Nhật Bản vì Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng và kiên cường…
Theo thông tin từ ADB, Nepal đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng gia tăng do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt trong mùa đông, giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm.
Trong khi đó, nhu cầu về điện tăng trưởng ở mức 10% mỗi năm khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp phải sử dụng dầu diesel để chạy máy phát điện. Dự án được xây dựng nhằm giảm thiểu phát điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch, đồng thời sẽ giúp ổn định hệ thống cung cấp điện của Nepal và giảm tổn thất truyền tải.