Thách thức của BMW và Mercedes khi thiếu phụ tùng từ Ukraine

SẢN XUẤT CHÂU ÂU
16:41 - 17/03/2022
Một công đoạn lắp ráp dây điện ô tô tại nhà máy Draexlmeier, Tunisia. Ảnh: Alamy
Một công đoạn lắp ráp dây điện ô tô tại nhà máy Draexlmeier, Tunisia. Ảnh: Alamy
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu như BMW, Mercedes-Benz và Volkswagen đã phải thông báo phải ngừng sản xuất tại một số nhà máy, do chiến sự tại Ukraine khiến nguồn cung phụ tùng giá rẻ đang cạn kiệt dần.

Trong tuần qua, BMW, Mercedes-Benz, Volkswagen hay Porsche đều thông báo rằng họ đã tạm dừng một số dây chuyền lắp ráp do ảnh hưởng của cuộc giao tranh quân sự Nga - Ukraine.

Hãng ô tô Porsche cho biết đã buộc phải tạm ngừng sản xuất dòng Taycan ở Stuttgart và Zuffenhausen (Đức) kể từ ngày 9/3 cho đến cuối tuần này do sự gián đoạn cung ứng từ Ukraine. Tập đoàn Volkswagen và BMW đã cắt giảm sản lượng tại Đức do nguồn cung phụ tùng bị gián đoạn, trong khi Mercedes-Benz giảm sản lượng tại các nhà máy ở Đức và Hungary.

Vai trò của Ukraine trong cung ứng phụ tùng ô tô

Chiến sự tại Ukraine đang đe dọa trực tiếp đến ngành công nghiệp ô tô non trẻ của của nước này. Quốc gia này hiện có 40 nhà máy sản xuất linh kiện do 22 công ty từ 6 quốc gia khác nhau điều hành, với tổng vốn đầu từ (từ năm 1998) lên tới hơn 550 triệu USD. Trong số các nhà máy đó, hơn một nửa là các cơ sở sản xuất dây điện, còn lại là sản xuất các bô phận như ghế ngồi, thiết bị nhựa, hệ thống sưởi, động cơ khởi động điện…

Ukraine cũng là nhà cung cấp phụ tùng ô tô giá rẻ, khi chi phí sản xuất ở Ukraine bằng 25% chi phí chế tạo ở Đức và chi phí lao động chỉ bằng 38% so với Trung Quốc.

Dây chuyền lắp ráp Taycan của Porsche đã bị ngừng hoạt động do thiếu dây điện của Ukraine cung cấp. Ảnh: Porsche
Dây chuyền lắp ráp Taycan của Porsche đã bị ngừng hoạt động do thiếu dây điện của Ukraine cung cấp. Ảnh: Porsche

Tuy nhiên, với tình hình bất ổn hiện nay, các chuyên gia cho rằng, khoảnh 15% sản lượng ô tô của châu Âu có thể gặp rủi ro do các nhà máy sản xuất dây điện ở Ukraine ngừng hoạt động. Colin Langan, nhà phân tích ô tô tại Wells Fargo, cho biết trong một báo cáo rằng việc đóng cửa các nhà máy sản xuất dây điện có thể làm giảm sản lượng khoảng 700.000 xe trong quý đầu tiên và quý thứ hai năm 2022.

Theo ước tính của AutoAnalysis, Ukraine sản xuất khoảng 1/5 nguồn cung dây điện được dùng trong ô tô cho châu Âu. Trong đó, một chiếc ô tô trung bình cần tới 5km dây điện. Không giống như các bộ phận khác có thể dễ dàng chuyển nơi sản xuất, dây điện phải được làm riêng. Với mỗi mẫu xe đều cần có hệ thống sản xuất loại dây riêng để mài dũa chính xác đến từng milimet.

Ông Alexandre Marian, Giám đốc điều hành công ty tư vấn AlixPartners ở Paris (Pháp), nhận định: “Vấn đề với dây điện ô tô nằm ở chỗ chúng là thứ rất cơ bản cần có. Chúng ta không thể bắt đầu lắp ráp ngay cả một chiếc ô tô chưa hoàn thiện nếu không có dây điện”.

Trong khi đó, ông Herbert Diess, Giám đốc điều hành Volkswagen, cho biết: “Trong trường hợp của chúng tôi, vì chúng tôi nằm ở phân khúc cao cấp hoặc gần cao cấp, nên hầu hết các loại dây điện mà chúng tôi lắp trên ô tô đều chỉ dành riêng cho ô tô. Vì vậy, đó là mối quan hệ 1-1”.

Những thách thức mà các hãng ô tô đối mặt

Chuyển dịch sản xuất và tìm kiếm các nhà cung cấp dây điện thay thế Ukraine là thách thức đối với các hãng ô tô châu Âu. Ngành công nghiệp này vốn đang đối mặt với vô số khó khăn từ việc giá kim loại và năng lượng tăng chóng mặt, chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, cho đến cả tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu.

Tìm kiếm nguồn cung dây điện ô tô thay thế Ukraine là thách thức của các hãng ô tô châu Âu. Ảnh: Bloomberg

Tìm kiếm nguồn cung dây điện ô tô thay thế Ukraine là thách thức của các hãng ô tô châu Âu. Ảnh: Bloomberg

Nhà điều hành của Volkswagen chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng kết nối và duy trì hoạt động tại các nhà cung cấp dây điện ở Ukraine. Tuy nhiên, 9 trong số 11 nhà máy đang hoạt động ở mức giảm công suất”.

Ông Diess đồng thời nói thêm rằng: “Chúng tôi cũng không biết cuộc xung đột này sẽ kết thúc khi nào. Ngay từ khi chiến sự nổ ra, chúng tôi đã phải bắt tay vào nghiên cứu và lựa chọn các bên thay thế để di dời sản xuất”.

Thương hiệu cao cấp của Volkswagen là Audi cho biết, họ đang tìm cách chuyển địa điểm sản xuất dây điện ở Ukraine sang các nhà máy khác hoặc tìm nhà cung cấp thay thế như Đông Âu, Bắc Phi, Mexico và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng không phải giải pháp hữu ích, vì vấn đề chi phí vận chuyển quốc tế đắt đỏ và không tin cậy cũng khiến hãng ô tô này e ngại.

Phía BMW cũng nhận định cuộc xung đột quân sự đã buộc các nhà cung cấp dây điện Ukraine phải giảm hoặc thậm chí ngừng sản xuất. Điều đó dẫn đến nhà máy sản xuất của BMW phải cắt giảm sản lượng.

Công ty này cho biết sẽ tiếp tục sản xuất tại hai nhà máy ở Đức trong tuần này, trong khi nhà máy Mini ở Oxford (Anh) dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào tuần tới. BMW trước đó cũng cho biết họ đang đàm phán tích cực để tìm nhà cung cấp phụ tùng mới.

Theo Ông Nicolas Peter, Giám đốc tài chính BMW, công ty này cũng sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu USD do giá nguyên liệu thô ngày càng tăng. Nguyên nhân là nguồn cung từ Nga, nhà sản xuất kim loại chính như niken và paladi được sử dụng trong sản xuất ô tô, sẽ bị hạn chế.

Hiện tại, một lượng nhỏ nguồn cung từ Ukraine vẫn đang được vận chuyển ra khỏi đất nước. Một nhà sản xuất dây điện ở miền tây nước này (giấu tên vì lo ngại cho sự an toàn của người lao động), cho biết một số hoạt động sản xuất vẫn diễn ra vào ban ngày, mặc dù sẽ bị đóng cửa vào ban đêm do lệnh giới nghiêm.

Ông Nick Klein, Phó chủ tịch công ty hậu cần toàn cầu OEC Group cho biết, một số công ty vận tải đường bộ đang vận chuyển dây điện về phía nam qua biên giới vào Romania vì hiện tại cuộc giao tranh vẫn chưa lan rộng đến đến khu vực đó. Tuy nhiên, “điều đó có thể sớm thay đổi và khiến tình hình sản xuất trở nên rối ren hơn”, ông nhận xét.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.