Các ứng cử viên tiềm năng trở thành thành viên Thượng viện mới của Thái Lan tại văn phòng quận Phaya Thai ở Bangkok ngày 20/5/2024. |
Phát biểu ngày 10/6, Tổng thư ký EC, ông Sawaeng Boonmee, tuyên bố: “Ủy ban Bầu cử đã thông qua nghị quyết phê chuẩn 200 thượng nghị sĩ”. Ông cho biết đã có sự chậm trễ trong việc công bố kết quả của quá trình lựa chọn các thành viên Thượng viện phức tạp – quá trình đã kết thúc từ tháng 6 trước đó - do một số khiếu nại.
Tuy nhiên, các khiếu nại đang được giải quyết. Hãng tin AP dẫn lời ông Sawang Boonmee cho biết văn phòng của ông cần thêm thời gian để điều tra hơn 800 khiếu nại. Ông nhấn mạnh rằng ủy ban đã bỏ phiếu để chứng nhận kết quả vì “tại thời điểm này, chúng tôi không thể nói rằng cuộc bỏ phiếu không tự do và công bằng”.
Trước đó, quá trình bầu chọn các thành viên Thượng viện mới gây tranh cãi vì một số khiếu nại cho rằng các quy định cho việc tranh cử chỉ được ban hành chính thức trong năm nay, trong khi có nhiều khiếu nại khác rằng các quy định phức tạp và ít có ý kiến đóng góp của công chúng.
Cụ thể, các ứng cử viên sẽ có thể tự đề cử bằng cách trả một khoản phí đăng ký và nộp đơn để tranh cử ở một trong 20 hạng mục, sắp xếp theo nghề nghiệp hoặc các tiêu chí khác. Sau đó, họ tiến qua 3 vòng bỏ phiếu.
Ủy ban bầu cử ban đầu dự kiến thông qua kết quả vào ngày 3/7 nhưng đã hoãn lại việc chứng nhận nhiều lần sau khi nhận được nhiều khiếu nại cáo buộc các ứng cử viên trình bày sai về trình độ của bản thân. Ngoài ra, cũng có nhiều lo ngại rằng quá trình bỏ phiếu thiếu minh bạch có thể dẫn tới gian lận phiếu bầu hoặc là lo ngại trong việc Ủy ban Bầu cử không xem xét kỹ lưỡng năng lực của các ứng viên.
Thượng viện mới sẽ mất đi một trong những quyền lực quan trọng nhất là quyền bỏ phiếu cùng với Hạ viện trong việc phê chuẩn bổ nhiệm Thủ tướng. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn sẽ giữ những quyền quan trọng khác bao gồm quyền xem xét luật cũng như bổ nhiệm các thành viên quan trọng của các cơ quan quyền lực như EC và Tòa án Hiến pháp.
Tại Thái Lan, Thượng viện không giống như Hạ viện và không phải là cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, luật cần có sự phê chuẩn của Thượng viện để có thể được thông qua. Thượng viện cũng có quyền lựa chọn để bổ nhiệm các thành viên của các cơ quan quản lý độc lập như Ủy ban bầu cử và Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia.
Sự chấp thuận của Thượng viện cũng là một yêu cầu bắt buộc để sửa đổi Hiến pháp. Đảng Pheu Thai cầm quyền hiện đang thúc đẩy một hiến chương mới thay thế hiến chương năm 2017 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một số cải cách đã hứa trong chiến dịch tranh cử.