Thái Lan sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2029 khi tỷ lệ sinh giảm nhanh. Ảnh: CTN |
Bangkok Post đưa tin, các nhà nghiên cứu của KResearch cho biết số lượng trẻ sơ sinh ra đời tại Thái Lan bắt đầu giảm mạnh vào năm 2020 – thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19 và tiếp tục giảm trong 2 năm tiếp theo, trong khi tỷ lệ tử vong cũng tăng trong cùng thời kỳ.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh của cả nước hiện ở mức 0,76% một năm, trong khi thanh thiếu niên hiện chỉ chiếm 1,33% dân số.
Những con số này hoàn toàn trái ngược so với những gì đã xảy ra ở Thái Lan trong thế hệ Baby Boomer (những người sinh từ năm 1963 - 1983). Khoảng 1 triệu người trong thế hệ này sẽ bước sang tuổi 60 trong năm nay.
Thái Lan đối mặt với vấn đề già hóa dân số trong 20 năm qua. Ảnh: Bangkok Post |
Dựa trên phân loại mà Ủy ban Kinh tế và xã hội Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP) sử dụng, khi số người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% đến 9,9% tổng dân số quốc gia thì dân số được coi là “già hóa”. Tương tự, từ 10% đến 19,9% gọi là dân số “già”, 20% đến 29,9% gọi là dân số “rất già” và từ 30% trở lên gọi là dân số “siêu già”.
Theo sau Nhật Bản (1994), Hàn Quốc (2017) và Singapore (2021), Thái Lan sẽ là nền kinh tế tiếp theo ở châu Á trở thành “xã hội dân số già” vào năm 2023, khi 14,15% dân số từ 65 tuổi trở lên.
Từ 20 năm trước, Thái Lan đã trở thành một quốc gia già hóa, khi có 7,02% dân số từ 65 tuổi trở lên vào năm 2003. Đến năm 2029, nước này sẽ tiến tới mốc "xã hội siêu già" khi hơn 20% dân số trên 65 tuổi.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều yếu tố đã góp phần vào xu hướng suy giảm dân số này, có thể kể đến gồm đại dịch Covid-19, tâm lý lo ngại của người dân về vấn đề tài chính. Một xu hướng mới đang trở nên thịnh hành tại Thái Lan đó là hiện tượng nhiều người lựa chọn không sinh con, do đó cũng ảnh hưởng đến những con số trên.
KResearch cho biết Thái Lan có thể gặp khó khăn nếu chỉ tập trung vào các phương pháp cải thiện dân số, vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn cả các chính sách công.
Trong đó, các doanh nghiệp đang ở trong tình thế khó khăn vì dân số giảm, đồng nghĩa là sẽ có ít khách hàng tiềm năng hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần hướng tới những đối tượng có sức mua cao hơn để bù đắp phần doanh thu bị hao hụt.
Nghiên cứu cũng đề xuất các doanh nghiệp cần thay đổi các sản phẩm hoặc dịch vụ để người cao tuổi dễ tiếp cận vì phần đông trong số họ đang gặp khó khăn tài chính, đồng thời cần xem xét các dịch vụ đó trong bối cảnh thị trường toàn cầu nói chung đang già đi.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khuyến nghị các doanh nghiệp đẩy nhanh giai đoạn đào tạo và phát triển những lao động mới, để có thể phản ứng nhanh chóng trước các xu hướng kinh doanh đang thay đổi.
KResearch nhấn mạnh, vấn đề liên quan đến suy giảm dân số có thể là một thách thức khác đối với chính phủ mới của nước này về các chính sách liên quan đến khả năng cạnh tranh của quốc gia và các chương trình phúc lợi xã hội.