Tham vọng phát triển 10 khu công nghiệp, đâu là lợi thế của bất động sản Hòa Phát

HÒA PHÁT Khu công nghiệp
09:47 - 22/03/2023
KCN Phố Nối A do Hòa Phát vận hành.
KCN Phố Nối A do Hòa Phát vận hành.
0:00 / 0:00
0:00
Hòa Phát đặt kế hoạch phát triển 10 khu công nghiệp trong 10 năm tới, bao gồm cả 3 khu công nghiệp hiện có. Doanh nghiệp đẩy mạnh mảng bất động sản với công ty vận hành vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.

Thông tin được chia sẻ trong báo cáo thường niên 2022 của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG). Hiện nay Hòa Phát sở hữu và vận hành 3 khu công nghiệp (KCN), bao gồm KCN Phố Nối A có quy mô hơn 688,94 ha (Hưng Yên), KCN Hòa Mạc -131 ha (Hà Nam), KCN Yên Mỹ II - 313,5ha (Hưng Yên). Tổng quỹ đất KCN được phê duyệt quy hoạch là 1133,44 ha.

Theo Hòa Phát, tại KCN Phố Nối A, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 87% với 136 doanh nghiệp thuê đất. Nhiều doanh nghiệp FDI đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

Giai đoạn 1, khu công nghiệp Yên Mỹ II có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. KCN Yên Mỹ II được quy hoạch nhằm thu hút đầu tư trong các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất sạch, ít gây ảnh hưởng tới môi trường.

Năm 2022, Hòa Phát được chấp thuận chủ trương dự án KCN Yên Mỹ II mở rộng tại tỉnh Hưng Yên và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng. Hòa Phát đang tiến hành giải phóng mặt bằng giai đoạn mở rộng với diện tích 216 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.682 tỷ đồng.

Về KCN Hòa Mạc (Hà Nam), Hòa Phát cho biết, từ năm 2010 đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu thông tin tiến tới thuê đất và xây dựng nhà xưởng tại đặc biệt là các công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay, KCN này đã thu hút được 30 doanh nghiệp cho 35 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 100%.

Năm 2023, Hòa Phát cho biết sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216 ha, đáp ứng nhu cầu cao về thuê đất khu công nghiệp hiện nay. Kế hoạch trong 10 năm tới, tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp, bao gồm cả các khu công nghiệp đang có.

Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500 ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.

Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận các mảng của Hòa Phát trong năm 2022.

Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận các mảng của Hòa Phát trong năm 2022.

Lợi thế "sẵn tiền mặt"

Hòa Phát gia nhập thị trường bất động sản từ khá sớm, với việc thành lập CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát từ cuối tháng 9/2001. Dự án ghi dấu ấn đầu tiên là Mandarin Garden (Cầu Giấy, Hà Nội), triển khai từ năm 2009. Sau đó là các dự án Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (1,3 ha) tại 493 Trương Định (Cầu Giấy), Khu chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh (quận Hoàng Mai); 3 dự án KCN kể trên.

Tuy nhiên, do tập trung cho mảng thép và nội thất nên doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long chưa thực sự thành công trong lĩnh vực địa ốc. Bắt đầu từ cuối năm 2020 đến nay, Hoà Phát mới tái khởi động năng lượng để tham gia vào “đường đua” vốn thu hút đại đa số giới siêu giàu Việt.

Đầu tiên là việc thành lập CTCP Phát triển Bất động sản Hoà Phát với mục tiêu hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản và các hoạt động phụ trợ của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp liên tục tham gia vào các cuộc đua săn quỹ đất với loạt dự án từ khu đô thị đến khu công nghiệp.

Năm 2022, Hòa Phát rót thêm 3.300 tỷ đồng vào công ty bất động sản này thông qua góp vốn trực tiếp, qua đó, tăng vốn điều lệ công ty từ 2.700 tỷ hiện tại lên 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Hòa Phát cũng sẽ ghi nhận thay đổi từ 99,926% lên 99,967%.

Mới đây nhất, liên danh Tổng CTCP Đầu tư Hợp Nghĩa - CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát là doanh nghiệp duy nhất "rộng cửa" trúng Dự án khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá (tỉnh Phú Thọ) khi là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ và đạt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm.

Dự án này có diện tích lên đến 120 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.622 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện khoảng 5.284 tỷ.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cũng công bố nhà đầu tư duy nhất đạt yêu cầu sơ bộ về đánh giá năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Khu công nghiệp Yên Mỹ II là CTCP Phát triển Đô thị Hòa Phát Yên Mỹ.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 4.830 tỷ đồng; quy mô sử dụng đất khoảng 309.978 m2; các sản phẩm dịch vụ cung cấp gồm nhà ở thương mại liền kề 250 căn; căn hộ, nhà ở xã hội 9.000 căn và các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của khu dân cư.

CTCP Phát triển Đô thị Hòa Phát Yên Mỹ thành lập vào ngày 9/5/2022 với vốn điều lệ 750 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Hòa Phát sở hữu gián tiếp 99,9% vốn.

Lợi thế của Hòa Phát khi lấn sân sang lĩnh vực bất động sản đó chính là có nhiều tiền mặt. Theo thống kê tại thời điểm 31/12/2022, Hòa Phát đang có 35.000 tỷ đồng tiền mặt (bao gồm hơn 26.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng).

Trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn về thanh khoản hiện nay, lợi thế “tiền tươi” sẽ giúp “vua thép” chạy nhanh hơn các đối thủ trong việc đăng ký dự án cũng như hoạt động M&A, hợp tác đầu tư.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 của Hòa Phát, mảng bất động sản mang về hơn 1.100 tỷ đồng doanh thu và hơn 800 tỷ đồng lợi nhuận cho Hòa Phát. Nếu so với tổng doanh thu 141.000 tỷ đồng thì con số này còn quá khiêm tốn. Tuy nhiên nếu so với một doanh nghiệp bất động sản tầm trung thì hiệu quả hoạt động của bất động sản Hòa Phát vẫn vượt trội hơn hẳn.

Tin liên quan

Đọc tiếp