Theo Reuters, Thị trưởng Eric Adams nêu rõ: "TikTok đặt ra mối đe doạ an ninh đối với các mạng lưới kỹ thuật của thành phố". Sau khi lệnh cấm được ban hành, các cơ quan công vụ của thành phố New York phải gỡ bỏ ứng dụng trong vòng 30 ngày. Cùng với đó, các nhân viên sẽ không truy cập được ứng dụng và trang web TikTok trên các thiết bị công và mạng lưới kỹ thuật của thành phố.
Trước đó, bang New York đã ban hành lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị di động do chính quyền bang cấp. Hiện có hơn 150 triệu người Mỹ đang sử dụng TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc).
Các lệnh cấm và hạn chế đối với TikTok nói riêng và các trang mạng xã hội nói chung ngày càng gia tăng tại Mỹ và châu Âu do những lo ngại về quyền riêng tư, an ninh quốc gia và an toàn cho trẻ em.
Hồi tháng 4/2023, các nhà lập pháp của bang Montana, Mỹ cũng thông qua dự luật cấm TikTok được cung cấp tại bang này từ năm sau. Hay như 3 cơ quan hàng đầu của Liên minh châu Âu là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu cũng thông báo áp dụng lệnh cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị công kể từ giữa tháng 3 vừa qua.
Nguyên nhân chủ yếu là do các nước lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin của người sử dụng, cũng như nguy cơ truyền bá những nội dung xấu độc, có thể đe dọa đến an ninh quốc gia.
Phía TikTok phủ nhận những cáo buộc liên quan và cho rằng những hạn chế ban hành là không có căn cứ. Ứng dụng truyền thông xã hội này cũng vừa công bố gói biện pháp mới "Project Clover" nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng ở châu Âu. Động thái này được các nhà phân tích đánh giá như là một cách xoa dịu cũng như xây dựng lòng tin của TikTok đối với các quốc gia khác.