Cải tiến mẫu mã giúp làm tăng giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Phương Thảo. |
Tại hội thảo “Tư vấn nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu” ngày 28/7, ông Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nêu ra thực trạng khách du lịch chỉ bỏ 15 USD mua hàng thủ công mỹ nghệ khi đến Việt Nam còn 85 USD là mua các sản phẩm khác khi lựa chọn quà lưu niệm mang về.
Ông Khải nhận định, trong thời gian qua, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã được cải tiến rất nhiều về mẫu mã, chất lượng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị hiếu khách hàng, đặc biệt là mẫu thiết kế, bao bì, đóng gói. “Đây là điểm khuyết tật của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, làm giảm giá trị của sản phẩm”, ông Khải nhấn mạnh.
Kể lại câu chuyện mua hàng thủ công mỹ nghệ khi đi du lịch được đóng gói mang về bằng cách cuốn bằng bìa catton như “một cánh tay bó bột” trong khi chiếc xe đồ chơi mua Trung Quốc được đóng gói hộp mica rất đẹp, ông Khải bày tỏ sự tiếc nuối vì khâu đóng gói đã làm giảm giá trị của sản phẩm Việt.
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành hàng này mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với các ngành khai thác khác, giải quyết việc làm từ 3.000 – 5.000 lao động.
Ảnh: Phương Thảo "Hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn và tỷ suất lợi nhuận cao. Do đó, cần thay đổi tư duy về thiết kế mẫu mã, bao bì, có sự phân biệt rõ ràng về chất lượng sản phẩm và chất lượng mẫu mã để gia tăng giá trị cho sản phẩm, tạo thế mạnh cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tiến sâu vào các thị trường xuất khẩu”.
Cùng chung đánh giá với ông Khải, ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhìn nhận, còn nhiều hộ sản xuất làng nghề chưa coi trọng việc thiết kế cải tiến mẫu mã, chỉ sản xuất theo thói quen cũ, chậm đổi mới, dập khuân các mẫu có sẵn trên thị trường.
Có nhiều thiết kế đẹp nhưng thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt, giá thành cao nên chỉ nằm trên giấy. Các doanh nghiệp làng nghề đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp khó khăn trong đầu tư cải tiến mẫu mã sản phẩm.
Từ thực tế đó, ông Trịnh Quốc Đạt cho rằng, các doanh nghiệp làng nghề cần nhận thức tầm quan trọng của việc thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm một cách thường xuyên trong quá trình sản xuất.
Để đẩy mạnh khâu thiết kế sản phẩm, ông Đạt cũng nêu bật tầm quan trọng của việc kết hợp chặt chẽ giữa các nhà thiết kế chuyên nghiệp và các doanh nghiệp làng nghề. Bản thân các doanh nghiệp làng nghề cũng cần đầu tư một khoản kinh phí nhất định cho khâu cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm.
Ảnh: Phương Thảo |
5 xu hướng thiết kế tạo thế mạnh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Tham gia góp ý về các xu hướng thiết kế phát huy giá trị các sản phẩm mỹ nghệ, PGS. TS Đặng Văn Mai Anh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho biết, mỗi năm, xu hướng thủ công có những sự thay đổi nhất định, phụ thuộc vào sự thay đổi của nhu cầu con người và ảnh hưởng của kinh tế, sinh thái.
Từ nghiên cứu thị trường thủ công mỹ nghệ, PGS.TS Đặng Văn Mai Anh gợi mở 5 xu hướng thiết kế mẫu mã, bao bì cho các làng nghề.
Thứ nhất, cảm hứng từ các khối trừu tượng làm nổi bật tính độc bản, muôn hình vạn trạng của sản phẩm. Thứ hai, sản phẩm đơn chiếc hoặc bộ sản phẩm decor trang trí có các thiết kế hài hòa với không gian nội thất hiện đại và kết hợp giữa các yếu tố văn hóa, truyền thống với sở thích cá nhân.
Thứ ba, xu hướng đồ tái chế thể hiện nỗ lực tái sử dụng, xanh hóa môi trường cũng được đông đảo người tiêu dùng ưa thích. Thứ tư, tùy chỉnh và cá nhân hóa đồ vật cho phép các cá nhân sở hữu những món đồ độc nhất và vô nhị phán ánh cá tính và sở thích của người sử dụng riêng.
Thứ năm, xu hướng hồi sinh di sản. Đây là xu hướng văn hóa được nhiều lĩnh vực đưa vào hồi sinh và phát huy tính bản sắc của dân tộc. Thị trường những năm gần đây đã chứng kiến sự trỗi dậy của của mối quan tâm đến thủ công truyền thống và kỹ thuật cổ xưa.
Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để có một mẫu mã đẹp cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ không phải chuyện ngày một ngày hai, mà là cả quá trình tìm kiếm, chắt lọc, sáng tạo.
"Dù ở bất cứ xu hướng thiết kế nào, tinh hoa văn hóa Việt là yếu tố quan trọng trong khai thác chất liệu để tạo nên những mẫu mã, kiểu dáng, thiết kế mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Dần nhấn mạnh.
Theo ông Lưu Duy Dần, để vấn đề nêu trên trở thành thực tế cần sự bắt tay của 2 “nhà”, là nhà thiết kế và nhà sản xuất. Trong đó, nhà thiết kế tận dụng tinh hoa công nghệ truyền thống để áp dụng với những công nghệ mới, hiện đại. Nhà sản xuất có sự chia sẻ cảm hứng, dữ liệu để các nhà thiết kế thăng hoa sáng tạo.