Theo tài liệu, HĐQT PGBank dự kiến trình cổ đông phương án lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với kết quả thực hiện năm 2023. Các mục tiêu kinh doanh khác như tổng thu thuần đạt 2.086 tỷ đồng, tăng 49%; chi phí hoạt động và dự phòng đạt 1.532 tỷ đồng, tăng thêm 46,9%.
Mục tiêu tổng tài sản tăng lên 63.503 tỷ đồng, mở rộng 14% so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng dự báo sẽ tăng 12,9% lên 40.476 tỷ đồng, trong khi tổng huy động dự kiến đạt 56.530 tỷ đồng, tăng 13,5%.
Cùng với mục tiêu kinh doanh, PGBank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên mức 5.000 tỷ đồng thông qua 2 phương án. Việc phát hành 120 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được thực hiện xong trong quý 1/2024, qua đó tăng vốn lên mức 4.200 tỷ đồng.
Và phương án tăng vốn thêm 800 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 tới đây, HĐQT PGBank dự kiến trình thông qua nội dung điều chỉnh tỷ lệ phân phối đối với phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ 27% giảm xuống còn hơn 19%.
Cụ thể, HĐQT PGBank sẽ chào bán cho cổ đông tối đa 80 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 4:21 (cổ đông sở hữu 21 cổ phiếu sẽ được mua 4 cổ phiếu mới).
Sau khi thực hiện thành công, PGBank sẽ tăng vốn thêm 800 tỷ đồng. Theo ngân hàng này, nguồn vốn tăng thêm dự kiến phân bổ cho các hoạt động gồm: Cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn (200 tỷ đồng) và trung-dài hạn của khách hàng (305 tỷ đồng); Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi ngân hàng (230 tỷ đồng) và Bổ sung nguồn vốn để mua sắm tài sản cố định (65 tỷ đồng).
ĐHĐCĐ thường niên 2024 tại PGBank dự kiến tổ chức vào sáng ngày 20/4 tại Hội trường nhà Câu lạc bộ, The Five Villas & Resort Ninh Bình, xã Yên Thắng, huyện Yên Mỗ, Ninh Bình.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 17/4, cổ phiếu PGB đóng cửa ở mức 18.600 đồng/cp, giảm 18% so với mức đỉnh giữa tháng 2/2024.