Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 23/2 - 22/3 bằng hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Tạm tính với mức giá kết phiên 20/2 (5.420 đồng/cp), giao dịch kể trên có thể đem về cho bà Tuyết hơn 44,2 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết là vợ ông Đỗ Xuân Chiểu, thành viên HĐQT của Thép Pomina. Hiện ông Chiểu đang nắm giữ hơn 1,65 triệu cổ phiếu POM (tương ứng 0,59%) vốn điều lệ.
Giao dịch của bà Tuyết diễn ra vào thời điểm cổ phiếu POM vẫn đang giao dịch ở vùng giá thấp mặc dù cổ phiếu đang chứng kiến một đà hồi phục nhẹ từ đầu tháng 2 tới nay. Cụ thể, cổ phiếu đã bất ngờ giảm 3 phiên liên tiếp trước Tết Nguyên đán 2024, đưa thị giá cổ phiếu xuống 4.640 đồng/cp. Sau Tết, giá cổ phiếu hồi phục và ghi nhận phiên tăng trần vào ngày 19/2, đưa thị giá đạt 5.220 đồng/cp, dù vẫn còn thấp hơn so với mức giá hồi trước Tết.
Kết phiên giao dịch ngày 20/2, cổ phiếu POM tăng 3,83% và giao dịch ở mức 5.420 đồng/cp, về lại vùng giá trước Tết. Ở vùng giá này, cổ phiếu vẫn mất 36% thị giá so với mức giá đỉnh phiên 18/7/2023 (8.450 đồng/cp) khi Pomina vừa công bố đã tìm được đối tác chào bán hơn 70 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ.
Trước bà Tuyết, trong tháng 1/2024, hai người em của Chủ tịch Thép Pomina Đỗ Duy Thái là bà Đỗ Thị Kim Ngọc và bà Đỗ Thị Kim Cúc đã bán thành công tổng cộng hơn 4,4 triệu cổ phiếu POM.
Cụ thể, từ ngày 8/1 - 11/1, bà Đỗ Thị Kim Ngọc đã bán ra gần 1,3 triệu cổ phiếu trên tổng số 1,63 triệu cổ phiếu đã đăng ký, giảm lượng cổ phiếu sở hữu tại Thép Pomina xuống còn gần 2,7 triệu cổ phiếu, tương ứng là 0,96% vốn điều lệ. Tạm tính với mức giá kết phiên 11/1 (5.300 đồng/cp) thì bà Ngọc có thể thu về gần 6,9 tỷ đồng từ thương vụ này.
Còn giao dịch của bà Đỗ Thị Kim Cúc diễn ra từ 26/1 - 31/1 theo hình thức khớp lệnh và thỏa thuận. Bà Cúc đã bán toàn bộ hơn 3,14 triệu cổ phiếu đang sở hữu (tỷ lệ 1,12%) và không còn là cổ đông của Pomina. Tạm tính với mức giá kết phiên 31/1 (5.190 đồng/cp), bà Cúc có thể thu về hơn 16,3 tỷ đồng sau khi thoái vốn thành công.
Như vậy, kể từ đầu năm 2023 tới nay, các bên có liên quan tới lãnh đạo Thép Pomina đã đăng ký bán hơn 52,2 triệu cổ phiếu, tương đương gần 18,7% vốn điều lệ của Pomina. Đồng thời, có gần 27,9 triệu cổ phiếu, đã giao dịch thành công, tương đương khoảng gần 10% vốn điều lệ của Pomina.
Tổng số lượng cổ phiếu đăng ký và đã giao dịch của các bên liên quan tới lãnh đạo Thép Pomina. Chú thích: ô màu xanh là các giao dịch chưa thực hiện. Ảnh: Anh Thư |
Các giao dịch của người thân Chủ tịch Pomina diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu POM đang giao dịch ở vùng giá khá thấp trong lịch sử niêm yết và bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát. Đồng thời, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng không khả quan.
Theo giải thích từ phía Pomina, các giao dịch của người liên quan chủ yếu là để cấn trừ nợ với nhà cung cấp. Theo thoả thuận với các nhà cung cấp, tổng số cổ phiếu cấn trừ lên đến 21 triệu cổ phiếu POM, tương đương giá trị cấn trừ gần 188 tỷ đồng. Trong đó, Pomina chủ yếu cấn trừ với giá 10,000 đồng/cp (gần gấp đôi thị giá). Sau khi cấn trừ, các nhà cung cấp sẽ trở thành cổ đông của Pomina. Tuy nhiên đến nay, tổng lượng cổ phiếu đăng ký và đã bán ra của người nhà lãnh đạo Pomina đã vượt xa con số này.
Đây là một trong những nỗ lực vượt qua khó khăn của Pomina trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
Quý 4 vừa rồi, doanh thu thuần của Thép Pomina đạt 333 tỷ đồng, chỉ bằng 18% cùng kỳ năm trước (YoY). Chi phí lãi vay tăng mạnh 48%, lên gần 215 tỷ đồng, nhưng nhờ khoản hoàn nhập đầu tư vào POM2 hơn 46 tỷ đồng, chi phí tài chính kỳ này giảm được 3% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 180 tỷ đồng.
Sau khi trừ các loại chi phí, Thép Pomina lỗ ròng gần 314 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 461 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần 3.281 tỷ đồng, chỉ bằng 25% con số của năm 2022. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp gần 60 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ này chỉ bằng 13% mức lỗ 461 của năm 2022.
Đến hết năm 2023, Thép Pomina lỗ sau thuế gần 961 tỷ đồng, giảm được 28% so với mức lỗ 1.168 tỷ đồng của năm 2022. Dù vậy, đây vẫn là mức lỗ nặng nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành tính tới thời điểm hiện tại, và còn cách xa mức lỗ sau thuế 150 tỷ đồng mà doanh nghiệp đã đặt ra.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Thép Pomina giảm 6% so với hồi đầu năm, xuống hơn 10.404 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của công ty vẫn tăng 5% so với hồi đầu năm lên gần 8.810 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, Thép Pomina có 5.466 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, giảm nhẹ so với con số 5.478 tỷ đồng đầu năm. Vốn chủ sở hữu của Thép Pomina giảm 39% so với đầu kỳ, xuống còn 1.595 tỷ đồng. Chủ yếu do lỗ lũy kế của công ty đã tăng từ 445 tỷ đồng lên gần 1.271 tỷ đồng.
Ngoài việc kinh doanh thua lỗ, mới đây nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã có văn bản gửi Pomina nhằm lưu ý công ty về khả năng bị hủy niêm yết. Nguyên nhân là do hiện nay công ty đã bị đưa vào diện kiểm soát do 2 năm liên tiếp vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán. Theo luật, cổ phiếu POM của Thép Pomina có khả năng bị hủy niêm yết nếu công ty tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023, là năm thứ 3 liên tiếp.
Trước đó, hồi cuối tháng 1/2024, công ty đã công bố tạm dừng kế hoạch phát hành gần 70,2 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư Nhật Bản là Nansei Steel, giá chào bán là 10.000 đồng/cp, gấp đôi thị giá hiện tại của cổ phiếu. Việc công bố tạm dừng kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ diễn ra ngay trước thềm tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua phương án tái cấu trúc của Pomina.