Thép Pomina đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên và công bố Nghị quyết Đại hội cùng biên bản họp vào ngày 14/7. Trước đó, ngày 30/6, công ty mới công bố thông tin thông báo về việc sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 và đăng tải tài liệu họp đại hội của công ty lên website.
Tuy nhiên, căn cứ theo điểm a Khoản 3 Điều 10 Thông tư 96/2020/TT-BTC, công ty niêm yết cần công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ tối thiếu 21 ngày trước ngày khai mạc ĐHĐCĐ nếu điều lệ của công ty không quy định thời gian dài hơn. Do đó, Thép Pomina đã chậm công bố thông tin tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 theo quy định, chỉ công bố 15 ngày trước ngày họp.
HoSE nhắc nhở và đề nghị Thép Pomina nghiêm túc tuân thủ các quy định hiện hành về công bố thông tin để đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Về nội dung họp Đại hội, bên cạnh việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh đi lùi so với trước đó khi đặt mục tiêu 9.000 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 150 tỷ đồng, Thép Pomina đã công bố đối tác chiến lược đã ký thỏa thuận mua 20% cổ phiếu riêng lẻ sắp phát hành. Đó là hãng thép Nhật Bản Công ty Nansei (Nansei Steel).
Nansei Steel đã ký thỏa thuận mua hơn 70 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Thép Pomina với giá 10.000 đồng/cp. Hai bên đã thống nhất chia quá trình phát hành số cổ phiếu này làm 2 đợt. Đợt 1 diễn ra vào tháng 8/2023 với 10,6 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành. 59,6 triệu cổ phiếu còn lại sẽ phát hành trong đợt 2, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2024.
Trên thị trường chứng khoán, sau 3 phiên trần liên tiếp (phiên 14, 17, 18/7) đưa thị giá cổ phiếu lên mức 8.450 đồng/cp. Hiện, giá cổ phiếu POM đã “giảm nhiệt” xuống dưới 8.000 đồng/cp và giao dịch quanh mức 7.700 đồng/cp. Kết phiên 11/8, cổ phiếu POM tăng nhẹ 0,8% lên mức 7.720 đồng/cp, tương đương vốn hóa 2.159 tỷ đồng. Ở mức này, giá mua cổ phiếu POM của Nansei Steel vẫn cao hơn 30% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu.
Với mức giá giao dịch quanh vùng 7.700 đồng/cp hiện nay, cổ phiếu POM đã hồi phục được 121% so với vùng giá đáy phiên 15/11/2022 nhưng chỉ bằng một nửa vùng giá đỉnh hồi tháng 3/2022, trước khi cổ phiếu trượt dốc theo đà giảm của thị trường.
Kết phiên 11/8, cổ phiếu POM tăng nhẹ 0,8% lên mức 7.720 đồng/cp, tương đương vốn hóa 2.159 tỷ đồng. Ảnh: TradingView |
Cùng với đà tăng của cổ phiếu, người thân của Chủ tịch HĐQT Tháp Pomina Đỗ Duy Thái đã liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu POM. Gần đây nhất, bà Đỗ Thị Kim Cúc, em gái ông Thái đã bán thành công 3 triệu cổ phiếu POM đã đăng ký, giảm sở hữu tại Pomina xuống còn 1,83%, tương đương nắm giữ gần 5,12 triệu cổ phiếu.
Giao dịch của bà Cúc được thực hiện ngày 7/8, bằng phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Theo thống kê trên sàn chứng khoán, phiên 7/8, khối lượng giao dịch khớp lệnh của POM chỉ đạt 371.906 đơn vị, trong khi ghi nhận 3 triệu đơn vị giao dịch thỏa thuận. Như vậy, khả năng cao là giao dịch của bà Cúc. Nếu tính theo giao dịch thỏa thuận kể trên, bà Cúc đã thu về 24 tỷ đồng từ thương vụ này, tương đương giá trung bình 6.000 đồng/cp.
Trước đó, từ tháng 6 tới nay, ba người chị em gái khác của ông Thái đã bán thành công một lượng lớn cổ phiếu POM, đó là bà Đỗ Thị Kim Ngọc, bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương và bà Đỗ Nhung. Trong đó, bà Ngọc và bà Hương đã bán được hơn 7 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 7,3 triệu cổ phiếu đăng ký bán, và thu về xấp xỉ 48,6 tỷ đồng. Các giao dịch được thực hiện từ 10/7 - 14/7, ngay trước chuỗi tăng trần của cổ phiếu POM.
Còn bà Đỗ Nhung, do không bán được trong tháng 7, đầu tháng 8, bà Nhung đã đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang sở hữu, tương đương gần 7,3 triệu cổ phiếu, chiếm 2,6% vốn điều lệ của Pomina. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 7/8 tới 5/9 theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Tạm tính với mức giá kết phiên 11/8, bà Nhung dự kiến thu về khoảng 56,2 tỷ đồng từ giao dịch này.
Như vậy, từ cuối tháng 6 tới nay, người thân của ông Thái đã đăng ký bán tổng cộng hơn 17,6 triệu cổ phiếu và đã bán thành công hơn 10 triệu cổ phiếu POM, tương đương gần 57% lượng cổ phiếu đã đăng ký.