Trong đó, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 27/4, tại SMC Phú Mỹ, KCN Phú Mỹ 2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày đăng ký cuối cùng là 20/3, ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/3.
Tại đại hội, SMC dự kiến thảo luận và thông qua các nội dung như báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023 và phương hướng, mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2024; báo cáo của Ban kiểm soát năm 2023; báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023; tờ trình phương án chi trả cổ tức năm 2024; tờ trình lựa chọn đơn vị thực hiện việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024…
Trước đó, trong báo cáo thường niên 2022 (công bố hồi tháng 4/2023), lãnh đạo SMC đã nhận định năm 2023 tiếp tục là một năm rất khó khăn, đặc biệt là với ngành thép do thị trường bất động sản chưa thể phục hồi tích cực.
Dù được hỗ trợ bởi đầu tư công và kỳ vọng xuất khẩu thép khởi sắc vào cuối năm 2023, nhưng SMC nhận định triển vọng phục hồi tích cực của doanh nghiệp ngành thép vẫn cần thêm nhiều thời gian.
Do đó, công ty đã đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 1 triệu tấn, giảm 20,2% so với năm 2022. Tương đương với đó, mục tiêu doanh thu bán hàng cũng giảm 12,2% đạt 20.350 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng trong khi năm 2022 công ty lỗ tới gần 645 tỷ đồng.
Năm 2023, tình hình kinh doanh của SMC vẫn không khả quan do giá vốn hàng bán và các loại chi phí ở mức cao. Cụ thể, quý 4, công ty đạt hơn 3.212 tỷ đồng doanh thu thuần. Giá vốn chiếm tới 98% và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 330 tỷ đồng (chủ yếu là do trích lập dự phòng nợ xấu 300 tỷ đồng) đã khiến công ty lỗ ròng 330 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu thuần gần 13.800 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế hơn 919 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 652 tỷ đồng, tương ứng chỉ hoàn thành 67,8% kế hoạch doanh thu và còn cách xa mục tiêu lãi 150 tỷ đồng đã đề ra.
Kế đó, CTCP Thép Vicasa - VNSTEEL (HoSE: VCA) cho biết sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 5/4, tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai. Ngày đăng ký cuối cùng là 4/3, ngày giao dịch không hưởng quyền là 1/3.
Tại cuộc họp, Vicasa dự kiến thông qua các nội dung về báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023, và nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024; báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán; phương án phân phối lợi nhuận sau thuế, chi trả cổ tức, thù lao năm 2023; kế hoạch phân phối lợi nhuận, chi trả thù lao Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát năm 2024; báo cáo hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát năm 2023…
Năm 2023, tình hình kinh doanh của Thép Vicasa đã có sự hồi phục mạnh mẽ so với năm trước. Tính đến hết năm, công ty ghi nhận 1.725 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 26%. Lợi nhuận sau thuế đạt 7,1 tỷ đồng, trong khi năm 2022 công ty lỗ gần 6 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận hồi phục tốt, Thép Vicasa đã khắc phục được tình trạng lỗ lũy kế của thời điểm cuối năm 2022.
CTCP Ống thép Việt Đức (VG Pipe, HNX: VGS) cũng cho biết sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 6/4. Đại hội, được tổ chức tại hội trường công ty Ống thép Việt Đức - KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cổ đông cần sở hữu cổ phiếu trước ngày 11/3 để nắm quyền tham dự họp.
Cơn khủng hoảng ngành thép cuối năm 2022 vẫn còn tác động lên hoạt động kinh doanh của Ống Thép Việt Đức trong năm 2023 và khiến hoạt động kinh doanh những quý đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Phải đến nửa cuối năm 2023, công ty mới chứng kiến sự hồi phục đáng kể so với cùng kỳ.
Cụ thể, quý 4/2023, doanh thu thuần của công ty đạt 2.139 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty đã cơ cấu tốt hàng tồn kho, giúp giá vốn giảm, lợi nhuận gộp tăng. Cùng với đó, việc lãi suất vay thời điểm quý 4/2023 cũng thấp hơn quý 4/2022 đã giúp công ty tiết giảm được chi phí lãi vay và chi phí tài chính. Do đó, lợi nhuận trước thuế quý 4 của công ty đã tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 31 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, Ống Thép Việt Đức ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.556 tỷ đồng, giảm 11%, lợi nhuận trước thuế đạt 72 tỷ đồng, giảm 38% so với năm 2022, tương ứng vượt 8% kế hoạch doanh thu, nhưng mới chỉ hoàn thành 80% kế hoạch lợi nhuận năm.
Một doanh nghiệp khác cũng dự kiến tổ chức họp đại hội trong tháng 4, đó là CTCP Đại Thiên Lộc (HoSE: DTL). Đại hội được tổ chức tại KCN Sóng Thần 3, Bình Dương. Ngày đăng ký cuối cùng để dự đại hội là 27/2. Công ty chưa chốt ngày chính thức tổ chức, cũng như chưa công bố cụ thể nội dung họp đại hội.
Năm vừa qua, Đại Thiên Lộc vẫn còn khó khăn do tiếp tục chịu cảnh kinh doanh dưới giá vốn và sụt giảm doanh thu do nhu cầu thị trường yếu. Đến hết năm, Đại Thiên Lộc ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.972 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022, vượt 23% so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn, chi phí tài chính tăng cao khiến doanh nghiệp lỗ tới gần 128 tỷ đồng trước thuế và 152 tỷ đồng sau thuế, trong khi năm trước doanh nghiệp lỗ hơn 126 tỷ đồng. Kết quả này còn cách xa mục tiêu lãi vỏn vẹn 4 tỷ mà công ty đề ra cho năm 2023.
“Ông lớn” ngành thép CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cũng đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng để dự đại hội là 11/3, ngày giao dịch không hưởng quyền là 8/3. Hòa Phát dự kiến tổ chức đại hội vào ngày 11/4, tại Hội trường lớn Grand Ballroom, Khách sạn Melia Hà Nội, nhằm thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ.
ĐHĐCĐ của Tập đoàn Hòa Phát mấy năm gần đây luôn được tổ chức tại các địa điểm có không gian rộng lớn, bởi số lượng cổ đông công ty tăng lên qua từng năm. Tại ĐHĐCĐ năm 2023, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long có tổng cộng 179.108 cổ đông, tăng khoảng 18.000 so với ngày chốt quyền dự ĐHĐCĐ năm 2022.
Năm vừa qua, Hòa Phát đã chứng kiến sự hồi phục về tình hình kinh doanh trong những quý cuối năm, đặc biệt là quý 4 với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của tập đoàn lần lượt đạt là 34.400 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ và 2.970 tỷ đồng, tăng 48%. Đây cũng là quý có kết quả kinh doanh tốt nhất trong 6 quý gần đây.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát lần lượt đạt 120.360 tỷ đồng, giảm 15,9% so với năm 2022 và 6.800 tỷ đồng, giảm 19,4%.