Thị trường tiêu thụ giảm khiến giá lợn hơi vẫn neo ở mức thấp

Chăn nuôi Việt nAM
19:52 - 31/03/2023
Giá lợn hơi đi ngang trong tháng 3/2023. Ảnh: VOV.
Giá lợn hơi đi ngang trong tháng 3/2023. Ảnh: VOV.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Cục Chăn nuôi, do sức mua cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều sụt giảm, cùng với đó là giá nguyên liệu tăng cao là nguyên nhân khiến giá lợn hơi ở mức thấp.

Chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý I và các nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 31/3, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, giá lợn hơi giảm không phải chỉ ở Việt Nam, đây là xu hướng chung.

Giá lợn hơi trong tháng ghi nhận dao động từ 47.000 – 52.000 đồng/kg. Giá lợn hơi thấp trong khi giá thức ăn đầu vào tăng cao khiến người chăn nuôi thua lỗ, gặp nhiều khó khăn.

Ông Chinh lấy ví dụ, ở Trung Quốc, giá lợn hơi hồi tháng 10/2022 là 87.000 đồng/kg, hiện nay còn 55.000 - 58.000 đồng/kg. Tình trạng này cũng tương tự ở Philippine và Thái Lan.

“Nguyên nhân do chuỗi nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đứt gãy sau Covid-19 và chưa dự báo được ngày phục hồi. Đáng chú ý là sức mua thị trường tiêu thụ giảm chung ở cả thị trường trong và ngoài nước”, ông Chinh nói.

Do đó, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cần kết hợp cải thiện thị trường trong nước là chính nhưng cũng cần tính đến mở rộng thị trường xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đang hướng dẫn người chăn nuôi các kỹ thuật sản xuất về phối trộn thức ăn tại chỗ, tận dụng tối thiểu theo mục tiêu đa giá trị để giảm giá thành sản xuất.

"Về mặt vĩ mô, chúng tôi đã có phản ứng nhanh chóng, Cục Chăn nuôi kiến nghị giảm 2% thuế đỗ tương, ngô về 0. Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cũng đang xây dựng nghị định hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi và chuỗi sản xuất”.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi

Nhìn nhận về giải pháp trước mắt và lâu dài, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn và đẩy mạnh nguồn thức ăn tại chỗ.

Ông Tiến cho biết Bộ đang chỉ đạo các tập đoàn lớn như Tập đoàn C.P trồng nguyên liệu tại chỗ để giảm nhập thức ăn đầu vào.

Về mở rộng thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào chuỗi toàn cầu, do đó cần nâng cao năng lực là động lực cốt lõi để vượt qua khó khăn.

Trước đó, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hồi đầu tháng 3/2023, các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi thuộc Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã phản ánh những khó khăn mà ngành chăn nuôi đang đối mặt như: Giá sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất trong khi chi phí đầu vào cao; chăn nuôi nông hộ, trang trại tư nhân ngày càng yếu thế so với doanh nghiệp; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất ngân hàng tăng.

Tình trạng này đã khiến 45 - 50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70 - 75% hộ chăn nuôi ngừng tái đàn. Nếu tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ thì tất yếu sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi.

Cũng trong nửa đầu tháng 3, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã có công văn kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%, để hạ giá thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá bán giảm mạnh.

Theo các hiệp hội, ngành chăn nuôi hiện nay đang gánh chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột quân sự Nga - Ukraine và tình hình kinh tế thế giới suy thoái, dẫn tới giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, trong khi sức mua trên thị trường lại giảm mạnh, khiến người chăn nuôi và cả doanh nghiệp thua lỗ.

Tin liên quan

Đọc tiếp