Thiếu hụt nguồn cung thép tại châu Âu do xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine
Do chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến các nhà máy thép chính ở cả Nga và Ukraine đều phải tạm ngừng cung cấp thép, gây ảnh hưởng tới xuất khẩu quặng sắt của cả 2 nước. Trong khi đó, xuất khẩu thép của Nga vào Liên minh châu Âu (EU) đang đứng thứ 2 với tỷ trọng chiếm 14% với thép dẹt và 19% với thép dài. Còn Ukraine cũng đứng thứ 4, đóng góp 8% thép dẹt và 7,4% thép dài vào tổng kim ngạch nhập khẩu của EU.
Như vậy, châu Âu hiện đã mất đi 2 nguồn cung lớn từ Nga và Ukraine. Điều này có thể gây thiếu hụt nguồn cung thép trong ngắn hạn và có thể làm tăng xuất khẩu thép của Trung Quốc. Bối cảnh này làm tăng nhu cầu về quặng sắt ở châu Âu và giá quặng sắt trên thị trường quốc tế cũng tăng bởi tâm lý thị trường lạc quan.
Kho sản phẩm HRC của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh:Vietnambiz |
Những hệ lụy từ chiến sự Nga – Ukraine đã đẩy giá thép tại các thị trường tăng cao. Ngày 7/3, giá thép giao tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải đã tăng thêm tương đương 800,85 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Còn tại thị trường Việt Nam, giá thép xây dựng ở cả ba miền cũng ghi nhận lần tăng giá thứ 3 trong vòng 1 tháng qua.
Theo đó, giá thép cuộn CB240 có mức giá từ 17.570 – 18.270 đồng/kg, với mức tăng khoảng 400-410 đồng/kg tùy từng thương hiệu ở cả ba miền. Giá thép thanh vằn D10 CB300 dao động từ 17.680 - 18.470 đồng/kg với mức tăng 400-460 đồng/kg, trong đó giá thép Hòa Phát ở miền Nam có mức biến động lớn nhất 460 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 1 tháng nay.
Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt
Thiếu hụt nguồn cung tại châu Âu sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia khác tăng tỷ trọng xuất khẩu thép vào thị trường EU, trong đó, có thể kể đến Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam với mặt hàng tôn mạ. Tình huống này cũng tương tự như tình trạng thiếu hụt đã xảy ra tại châu Âu và Mỹ hồi tháng 4 năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, CTCP Thép Nam Kim (mã: NKG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) là hai doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu thép và tôn mạ sang thị trường EU và đã tận dụng được cơ hội hồi tháng 4/2021, đem lại doanh thu tăng đột biến.
Sang năm 2022, NKG đang có kế hoạch mở rộng công suất sản xuất ống thép từ 180.000 tấn/năm lên 300.000 tấn/năm và tăng 30% công suất sản xuất tôn mạ từ 1,0 triệu tấn/năm lên 1,3 triệu tấn/năm trong Q2/2022. Điều này giúp công ty tăng thêm khả năng đáp ứng nhu cầu từ thị trường tiềm năng EU.
Kết phiên giao dịch ngày 7/3, cổ phiếu NKG tăng 3,4%, giao dịch ở mức 50.400 đồng/cp, cổ phiếu HSG tăng 4%, lên 42.450 đồng/cp.
Sản phẩm tôn của Hòa Phát. ẢNh: Vietnam+ |
Còn với Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG), tuy năm 2021, tập đoàn này chưa đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, nhưng năm nay, Hòa Phát đã tích cực mở rộng thị trường của mình. Tiêu biểu là đơn hàng 35.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC) với Italy, mở đầu cho việc xuất khẩu thép sang châu Âu năm 2022.
Bên cạnh đó, nhờ chiếm tới hơn 30% thị phần thép trong nước, nên Hòa Phát vẫn được hưởng lợi từ giá bán lẻ thép xây dựng 17.730 -17.780 đồng/kg (tăng 400-460 đồng/kg) này.
Hiện, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 8 triệu tấn/năm, tức khoảng 700.000 tấn/tháng.
Cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng, cổ phiếu HPG cũng đã hồi phục về mức 51.100 đồng/cp kể từ mức đáy 43.000 đồng/cp từ ngày 24/1, đóng góp vào sắc xanh của cổ phiếu ngành thép trong phiên giao dịch ngày hôm nay (7/3).
Theo đà tăng của giá thép, cổ phiếu ngành thép cũng được hưởng lợi với sắc xanh bao trùm trong phiên giao dịch ngày 7/3. Các cổ phiếu HPG, HSG, POM, SMS, TLH, HMC, DTL… đều tăng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất là DTL với mức tăng 4,5% lên 61.000 đồng/cp, tiếp theo lần lượt là HMC (4,2%), HSG (4%), NKG (3,4%), HPG (2,6%)… Ở chiều ngược lại, giảm mạnh nhất trong nhóm ngành này là cổ phiếu SCI, giảm 5,3%, còn 30.400 đồng/cp.