Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP |
Theo Reuters, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Đông Đức ngày 2/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này đã đóng vai trò dẫn đầu trong sự hiện diện của NATO tại vùng Baltic giáp với Nga trong gần một thập kỷ qua.
“Bởi vì mối đe dọa từ Nga vẫn tiếp tục, nên chúng tôi và các đồng minh khác vào năm ngoái đã quyết định triển khai thêm các đơn vị tới các nước vùng Baltic và đóng quân thường trực ở đây trong tương lai,” ông Scholz nói.
Nhà lãnh đạo Đức cho rằng sự thay đổi trong chính sách an ninh của khối “là cần thiết để cho Nga thấy chúng tôi sẵn sàng bảo vệ từng cm2 lãnh thổ NATO trước các cuộc tấn công”.
Thủ tướng Scholz cũng nói rằng ngoại giao sẽ chỉ thành công nếu có vị thế mạnh. “Điều cực kỳ quan trọng là các quốc gia vùng Baltic có thể hoàn toàn tin tưởng việc các đồng minh NATO sẽ phòng thủ trong trường hợp bị Nga tấn công,” ông nhấn mạnh.
“Đây là thông điệp dành cho chúng tôi và cũng dành cho Nga. Độ tin cậy của cam kết này tất nhiên cũng là một phần tính toán của Nga,” ông Scholz cho hay.
Trong những tuần gần đây, vấn đề cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa đã trở thành chủ đề nóng tại nội bộ các nước phương Tây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã âm thầm cho phép Ukraine thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga gần biên giới với Kharkov. Mỹ vẫn “không thay đổi” chính sách cấm quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS - có tầm bắn lên tới 300 km và các loại vũ khí tầm xa khác do nước này cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 30/5 tuyên bố: “Tôi tin rằng đã đến lúc xem xét một số hạn chế để giúp Ukraine thực sự tự vệ”. Theo người đứng đầu NATO, quyền tự vệ này bao gồm “tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên ngoài Ukraine”.
Một số quốc gia châu Âu gồm Anh, Hà Lan, Thụy Điển, các nước vùng Baltic, Phần Lan, Đan Mạch, Pháp cũng đã lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách vũ khí đối với Ukraine. Chính phủ Đức cũng thông báo rằng Kiev có thể dùng vũ khí do Berlin cung cấp để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga để tự vệ theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Nga đã cảnh báo động thái của các nước NATO. Tổng thống Vladimir Putin ngày 28/5 tuyên bố các thành viên NATO ở châu Âu đang “đùa với lửa” nếu để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Putin nhấn mạnh rằng động thái này có thể gây ra xung đột toàn cầu.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/5 cho biết: “Động thái này sẽ gây tổn hại rất lớn đến lợi ích của những quốc gia đã chọn con đường leo thang căng thẳng”.