Thương mại Việt Nam – Brazil tăng 2,8 lần trong 10 năm

Thương Mại Brazil
23:01 - 22/09/2023
0:00 / 0:00
0:00
Thương mại Việt Nam – Brazil đã ghi nhận tăng 2,8 lần trong vòng 10 năm qua, lên mức 6,7 tỷ USD vào năm 2022. Dự kiến năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn sẽ vào khoảng 6 tỷ USD.

Brazil ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bức tranh quan hệ thương mại của Việt Nam với thế giới. Tại khu vực châu Mỹ, quốc gia này đang là một những thị trường có thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Trong giai đoạn 2013 – 2022, thương mại Việt Nam – Brazil đã ghi nhận kết quả tăng gấp gần 3 lần, từ 2,39 tỷ USD năm 2013 lên 6,7 tỷ USD năm 2022. 8 tháng đầu năm 2023, thương mại hai chiều đứng ở mức 4,4 tỷ USD, là thị trường có thương mại lớn thứ 2 với Việt Nam tại châu Mỹ (sau Hoa Kỳ).

8 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều cũng chỉ giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Như vậy, rất có thể thương mại hai chiều Việt Nam – Brazil vẫn duy trì mốc 6 tỷ USD trong năm 2023.

Nhìn chung, trong bức tranh hai chiều về hàng hóa, Việt Nam luôn nhập siêu từ thị trường này. Cụ thể, nếu như năm 2013 Việt Nam nhập siêu 189 triệu USD hàng hóa từ Brazil, đến năm 2015 con số này đã lên mức 1 tỷ USD.

Sang năm 2016, cán cân thương mại giảm sự chênh lệch khi Việt Nam chỉ nhập siêu 390 triệu USD từ nước bạn. Đến năm 2020, kết quả này lại lên mức 1 tỷ USD và đạt mức nhập siêu cao nhất thập kỷ với 2,3 tỷ USD vào năm 2022.

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Brazil là lúa mì, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc, quặng và khoáng sản khác, gỗ và bông. Chỉ tính riêng năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu 7 mặt hàng này đạt 3,8 tỷ USD, chiếm tới 84% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Brazil.

Về xuất khẩu, Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường này là hàng điện tử (máy móc, điện thoại, máy vi tính…), phương tiện phụ tùng, hàng thủy sản và giày dép. Năm 2022, xuất khẩu tổng 6 mặt hàng trên đạt 1,72 tỷ USD, chiếm tới 77% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa sang Brazil.

Bước sang năm 2023, tình hình thương mại giữa hai nước tiếp tục chịu ảnh hưởng trong bối cảnh nhiều nước đối mặt với lạm phát cao, nhu cầu hàng hóa giảm... Nhập khẩu hàng hóa từ Brazil 8 tháng đầu năm 2023 chỉ còn đạt 2,77 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Dù vậy, xuất khẩu lại là điểm sáng trong bức tranh này khi trị giá hàng hóa xuất sang Brazil tăng 12,6% YoY, lên mức 1,68 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil 19 mặt hàng chính. Có 6 mặt hàng đạt trị giá từ 100 triệu USD trở lên với tổng kim ngạch 1,27 tỷ USD, chiếm 75% tổng trị giá xuất khẩu sang Brazil.

Điện thoại và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 390 triệu USD. Đứng sau là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 227 triệu USD, phương tiện vận tải phụ tùng với 226 triệu USD…

Nông sản không phải là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại Brazil, do vậy mặt hàng xuất khẩu sang đây phần lớn là thủy sản với 60 triệu USD.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, sắt thép là mặt hàng có mức tăng trưởng đột biến khi +1115% YoY về kim ngạch, từ 13,7 triệu USD cùng kỳ năm trước lên 166 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2023. Lượng sắt thép xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng 8.067 tấn lên 249.891 tấn.

Các mặt hàng khác cũng tăng trưởng cao như sản phẩm từ sắt thép với +77% YoY, phương tiện vận tải phụ tùng với +59%… Ngược lại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày lại ghi nhận giảm sâu với -51% YoY, cao su -47%, sản phẩm nội thất với -40%...

Về nhập khẩu, Việt Nam nhập từ Brazil 17 mặt hàng chính. Trong đó, có 5 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên với trị giá 2,22 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Brazil trong 8 tháng đầu năm 2023.

Thức ăn gia súc và nguyên liệu là mặt hàng có trị giá cao nhất với 560 triệu USD; kế đến là ngô với 559 triệu USD, đậu tương với 439 triệu USD, quặng và khoáng sản với 387 triệu USD, bông với 279 triệu USD.

Ngoài ngô và đậu tương, Việt Nam còn nhập từ Brazil mặt hàng rau quả và lúa mì với lần lượt 6 triệu USD và 95 triệu USD.

Về tăng trưởng, ngô có mức tăng trưởng cao nhất với +271% YoY, tiếp đến là rau quả với +81%, linh kiện, phụ tùng ô tô với +66%... Ngược lại, sắt thép nhập khẩu từ Brazil giảm tới -96% YoY; tiếp đến là hóa chất với -66%, gỗ -60%...

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.