Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil Roberto Serroni Perosa và đoàn doanh nghiệp Brazil từ ngày 21 - 22/3/2024.
Tại sự kiện, Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani cho biết, hội thảo là một trong nhiều hoạt động được tổ chức trong năm 2024 nhằm kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Brazil.
Theo ngài Đại sứ, Việt Nam – Brazil có điểm chung khi đều là nền kinh tế lớn trong khu vực, nền kinh tế hai bên cũng có tính bổ sung cho nhau. Trong đó, Brazil là nền kinh tế lớn của châu Mỹ Latin và đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Do đó, ông Marco Farani cho rằng, quan hệ đối tác Việt Nam – Brazil sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
“Điều này không chỉ đến từ sự năng động của hai nền kinh tế mà còn nhờ sự ổn định chính trị, kinh tế hiện tại của hai nước. Brazil hiện dẫn đầu thế giới về quá trình chuyển đổi năng lượng, các chính sách bảo vệ môi trường, đây cũng là động lực mạnh mẽ để sản xuất nông nghiệp của Brazil phát triển bền vững. Tôi cho rằng, Brazil là đối tác tiềm năng đặc biệt và mang lại khả năng hợp tác vô hạn cho tất cả đối tác quan tâm đến thương mại, đầu tư với Brazil,” Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani nhận định.
40 doanh nghiệp nông nghiệp Séc đang tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Phùng Đức Tiến chia sẻ, hai nước đều có thế mạnh về nông nghiệp. Mặc dù chỉ chiếm 12% trong tổng GDP nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng, là bệ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt mức 54 – 55 tỷ USD.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam có địa lý thuận lợi, chính sách cởi mở, môi trường đầu tư xuyên suốt, hoàn thiện, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, Việt Nam – Brazil cần tạo cơ hội chia sẻ thông tin để từ đó hiểu được nhu cầu, thế mạnh của mỗi bên, tạo điều kiện hợp tác thương mại, đầu tư, tiến tới hiện thực hóa các cam kết nỗ lực của chính phủ hai nước trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường nông lâm thủy sản.
Dù vậy, bên cạnh thuận lợi, hai nước vẫn còn gặp nhiều thách thức trong mối quan hệ hợp tác. Trong đó, khó khăn lớn nhất là khoảng cách địa lý xa, chưa thuận lợi để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp hai bên.
Nói rõ hơn về tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Eduardo Batista – Nhà sáng lập BVCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil - Việt Nam) cho biết, nhu cầu hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam là thị trường rộng lớn, có nhiều sản phẩm giá tốt, chất lượng cao. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có nhiều sản phẩm xuất khẩu tiềm năng sang Brazil như gạo, trái cây. Ngược lại, doanh nghiệp Brazil lại quan tâm đến việc xuất khẩu các loại thịt sang Việt Nam như thịt bò...
Theo Giám đốc thương mại Simexco Daklak Lê Thanh Sơn, hiện nay một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu tìm đến nguồn nguyên liệu cà phê từ Brazil. Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Sơn cho biết, vụ cà phê năm nay (niên vụ 2023 – 2024), lượng cà phê của Việt Nam giảm mạnh dẫn đến tồn kho yếu. Trong bối cảnh đó, một số nhà máy sản xuất tại Việt Nam để duy trì sản xuất đã và đang liên hệ, tìm kiếm nguồn cung cà phê từ doanh nghiệp Brazil.
Brazil cũng được đánh giá là thị trường tiên tiến trong khoa học kỹ thuật, các loại máy móc sử dụng trong ngành cà phê, sản xuất cánh đồng mẫu lớn… Ông Sơn cho rằng, đây đều là những dư địa mà hai bên có thể hợp tác với nhau.