Thượng viện Mỹ sắp bỏ phiếu về dự luật biên giới và viện trợ cho Ukraine

Viện trợ MỸ
12:50 - 02/02/2024
Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer. Ảnh: AP
Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về dự luật an ninh biên giới Mỹ - Mexico trong những ngày tới như một điều kiện nhằm “mở khóa” gói viện trợ quân sự quan trọng cho Ukraine và Israel vẫn đang bị đình trệ tại Quốc hội nước này.

Theo hãng tin AFP dẫn lời ông Chuck Schumer, lãnh đạo đa số thuộc đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, cuộc bỏ phiếu về dự luật an ninh biên giới sẽ diễn ra muộn nhất vào ngày 7/2 trong khi văn bản chi tiết của dự luật sẽ được công bố muộn nhất là ngày 4/2.

Nhận định về tương lai của dự luật, ông Schumer cho biết: “Giải quyết những thách thức này không hề dễ dàng nhưng chúng ta không thể đơn giản trốn tránh trách nhiệm của mình chỉ vì nhiệm vụ này khó khăn”.

Trong vòng nhiều tháng qua, Quốc hội Mỹ vẫn luôn tranh cãi về một thỏa thuận chống nhập cư bất hợp pháp. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa muốn đẩy mạnh việc duy trì an ninh biên giới để đổi lấy việc chấp thuận yêu cầu cung cấp viện trợ quân sự của Nhà Trắng cho Ukraine nhằm chống lại quân đội Nga và cho Israel trong xung đột với lực lượng vũ trang Hamas

Theo các đảng viên đảng Dân chủ, viện trợ cho các đồng minh là điều cần thiết để hỗ trợ nền dân chủ toàn cầu, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Mỹ. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cho rằng tình trạng nhập cư bất hợp pháp quá mức qua biên giới phía nam với Mexico là mối lo ngại an ninh cực kỳ quan trọng. Đảng này khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden cần có trách nhiệm hơn đối với tiền của những người Mỹ đã đóng thuế.

Tuy nhiên, triển vọng được ký thành luật của dự luật này được đánh giá là không chắc chắn do nhiều Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa tuyên bố từ chối ủng hộ dự luật cho tới khi có thể biết được thêm các chi tiết.

Trên thực tế, ngay cả khi dự luật được Thượng viện thông qua, nó vẫn cần được phê chuẩn tại Hạ viện - nơi Chủ tịch Mike Johnson khẳng định dự luật sẽ không được thông qua. Theo Reuters dẫn lời ông Mike Johnson, dự luật an ninh không đủ tích cực trong việc giải quyết dòng người di cư không có giấy tờ cao kỷ lục qua biên giới phía nam đất nước.

Ngoài ông Johnson, ông Donald Trump – người có khả năng cao trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa và là người có tầm ảnh hưởng lớn trong đảng - cũng bày tỏ sự phản đối.

Trước đó ngày 6/12/2023, dự luật chi tiêu nhằm cung cấp viện trợ cho Ukraine và Israel đã từng bị chặn tại Thượng viện Mỹ. Vào thời điểm đó, dự luật đã không thể thông qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện do có 49 phiếu ủng hộ và 51 phiếu phản đối, ảnh hưởng trực tiếp tới nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm cung cấp viện trợ trước cuối năm 2023.

Gói viện trợ cuối cùng trị giá 250 triệu USD đã được Tổng thống Biden phê duyệt vào cuối tháng 12/2023 thông qua Cơ quan rút vốn của Tổng thống (PDA), cho phép vận chuyển vũ khí khẩn cấp cho các đồng minh mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Tới đầu tháng 1, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cảnh báo rằng quân đội đang cạn kiệt các lựa chọn "để bổ sung kho dự trữ".

Ở một diễn biến khác, trong khi tương lai gói viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine vẫn còn nhiều sự không chắc chắn, EU ngày 1/2 đã thông qua khoản viện trợ 50 tỷ euro (khoảng 54 tỷ USD) cho Ukraine.

Khoản tài chính mới nhất cho Ukraine sẽ được rút từ ngân sách chung của EU và được phân bổ trong vòng 4 năm tới. Số tiền sẽ được sử dụng để trả lương cho khu vực công, duy trì hoạt động của các cơ quan chính phủ và hỗ trợ hệ thống phúc lợi đang bị bao vây.

Bình luận về gói hỗ trợ tài chính của EU, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh việc EU phê duyệt khoản viện trợ là để củng cố khả năng ổn định kinh tế và tài chính cho Ukraine, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow sắp bước sang năm thứ 3. Bộ Kinh tế Ukraine cho biết nước này dự kiến sẽ nhận được đợt viện trợ đầu tiên trị giá 4,9 tỷ USD từ EU vào tháng 3 năm nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp