Thụy Điển thắt chặt luật chống khủng bố để mở đường vào NATO

Tư pháp Thụy Điển
09:08 - 03/02/2023
Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer. Ảnh: EPA-EFE
Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer. Ảnh: EPA-EFE
0:00 / 0:00
0:00
Để thực hiện theo một trong các yêu cầu chính của Thổ Nhĩ Kỳ và giành được sự ủng hộ của nước này trong việc gia nhập NATO, chính phủ Thụy Điển ngày 2/2 đề xuất luật mới nhằm thắt chặt luật chống khủng bố của mình.

Cụ thể, theo AFP trích dẫn thông báo của chính phủ Thụy Điển ngày 2/2, luật đề xuất mới sẽ mở rộng phạm vi của các hoạt động có thể bị truy tố, đặc biệt là các hoạt động có liên quan tới các nhóm cực đoan.

Bộ trưởng Tư pháp Gunnar Strommer phát biểu trong một cuộc họp báo: “Các hành vi được coi là phạm tội sẽ được mở rộng hơn nữa để nhắm tới hàng loạt các hoạt động không nhất thiết có mối liên hệ cụ thể với tội ác nào trong một tổ chức khủng bố”.

Dưới điều luật bổ sung, các hành động như đưa thiết bị, tổ chức các địa điểm hội họp, nấu ăn hoặc chịu trách nhiệm vận chuyển cho các tổ chức khủng bố được chỉ định bởi chính phủ sẽ bị hình sự hóa. Khi đưa ra nhận định về điều này, ông Strommer cho biết “phạm vi của luật mới mở rộng hơn đáng kể so với luật hiện hành”.

Tuy nhiên theo ông Strommer, “việc tham gia vào một cuộc biểu tình hoặc một cuộc họp sẽ không bị trừng phạt”. Bản thân việc vẫy cờ cũng sẽ không bị hình sự hóa, tuy nhiên hành vi này có thể được sử dụng để làm bằng chứng trước tòa.

Trước đó hồi tháng 11/2022, chính phủ Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp nhằm cho phép dự luật này được đề xuất và thông qua do nó bị coi là đi ngược lại luật tự do của quốc gia này. Dự kiến tới tháng 3/2023, chính phủ sẽ đưa dự thảo luật ra bỏ phiếu tại Quốc hội với kỳ vọng nó sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 6 tới.

Trên thực tế, Thụy Điển đã bắt đầu áp dụng luật chống khủng bố một cách cứng rắn hơn kể từ năm 2017 khi một người Uzbekistan tị nạn - người đã thề trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) - phóng một chiếc xe tải xuống một con phố mua sắm sầm uất ở Stockholm và khiến 5 người thiệt mạng.

Tới hiện tại, nước này cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác chống khủng bố do việc trấn áp các nhóm cực đoan là yêu cầu chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đồng thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO. Do chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập bấy lâu nay của mình và nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự vào tháng 5/2022.

Các thành viên trong NATO bày tỏ thái độ hoan nghênh, tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn việc này lại với các cáo buộc Thụy Điển cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những nhóm cực đoan được nước này coi như “khủng bố”, đặc biệt là các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Ankara coi các cuộc biểu tình ủng hộ người Kurd cùng việc diễu hành cờ PKK là một hành động không chấp nhận được.

Tình hình đám phán giữa 2 quốc gia cũng không có nhiều tiến triển và thậm chí còn đang bị đình trệ kể từ khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án cảnh sát Thụy Điển vì đã cho phép một nhà hoạt động cực hữu đốt một bản sao Kinh Qur'an bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm ngày 21/1. Hành động này được coi như xúc phạm người Hồi giáo và khiến Ankara đình chỉ toàn bộ các cuộc đàm phán gia nhập NATO với cả Thụy Điển lẫn Phần Lan.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.